Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Bánh ngon Huế

Một trong những đặc trưng nổi bật của Huế là văn hóa ẩm thực. Những món ăn xứ Huế dù ở thời nào cũng khiến bao người dẫu chỉ thưởng thức qua một lần đều nhớ mãi. Và những loại bánh Huế là một trong những nét đặc sắc ấy. Người Huế làm bánh không phải để ăn no, mà làm bánh để thưởng thức hương vị. Các bạn hãy đến Huế và một lần thưởng thức các loại bánh Huế để có những cảm nhận riêng về ẩm thực của vùng đất này!
Huế là xứ sở có hàng trăm loại bánh ngon, trong đó phải kể đến bánh bột lọc, bánh bèo, bánh nậm, bánh ram ít… mỗi loại bánh lại có một cách làm và mang ý nghĩa riêng thể hiện tấm lòng của con người xứ Huế. Nếu các bạn có dịp một lần đến với vùng đất Cố đô để thưởng thức những hương vị đặc trưng của các loại bánh Huế nổi tiếng nhưng rất dân dã này, đó quả là một điều hết sức thú vị.
Dạo quanh các con đường ở thành phố Huế, chúng ta dễ dạng nhận thấy rất nhiều hàng bánh Huế tấp nập khách du lịch và người Huế đến thưởng thức. Nói đến bánh Huế, trước tiên là món bánh bèo, bánh được trình bày trong từng bát thật nhỏ và cạn. Theo quan niệm của người Huế, mỗi chiếc bánh thanh tao, mỏng mảnh chính là yếu tố tạo nên sự ngon miệng.
Bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, mặt bằng hình chữ nhật, lát mỏng thanh thanh, được bọc bằng lá dong được ăn kèm với chả tôm, trở thành một món ăn độc đáo, hòa hợp giữa cách ăn bình dân và quí tộc. Những món bánh bèo, bánh nậm, bột lọc, bánh ram ít... thì bắt buộc phải có nước mắm chua chua ngọt ngọt với vài lát ớt xanh, đỏ thơm thơm mới đúng kiểu. Chỉ cần nhìn bát nước chấm cũng đủ thấy được rằng sự hòa hợp sắc màu trong ẩm thực xứ Huế rất được chú trọng. Các loại bánh thường được làm nhỏ và mỏng, tạo các hình hoa trái, làm cho người ăn khi nhìn đã ngạc nhiên thích thú và muốn thưởng thức.
Các loại bánh Huế từ lâu cũng đã được đưa vào danh sách những món ăn đặc biệt ở những khách sạn lớn ở Huế để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Được tận tay bóc những chiếc bánh còn nóng hổi, thơm lừng cùng với chén nước mắm đậm đà, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của bột, vị thơm của nhân tôm và vị cay nồng của ớt; tất cả hòa lẫn vào nhau tạo nên một nét gì rất Huế.
Thành công của bánh Huế đầu tiên phải kể đến nguyên liệu: bột để làm bánh ram ít, bánh bèo hay nậm lại phải là thứ nếp trắng chọn kỹ, ngâm nước vừa độ để không bị chua và xay nhuyễn. Việc chọn tôm và sơ chế cũng rất quan trọng, người làm phải chọn những con tôm tươi, vỏ mỏng có hương vị thơm ngọt. Và cách chế biến các loại bánh Huế thì khá cầu kỳ, tỷ mỹ, đó là cả một nghệ thuật.
Đến Huế, ai cũng phải dành một khoảng thời gian để thưởng thức bánh Huế, ăn bánh Huế là phải thưởng thức cả bằng miệng, bằng mắt và bằng tai nữa, như thế mới có thể tận hưởng hết những hương vị đậm đà của nó. Bởi bánh Huế là những tác phẩm vừa cầu kỳ sang trọng vừa dân dã làng quê, như một điểm nhấn trong nghệ thuật làm bếp của người nội trợ xứ Huế.
                                                                                                Nguồn: huongviquenha.blogspot.com 

Bánh Bột Lọc - món ăn dân dã Huế

Ở Huế có một món bánh không cầu kỳ, rất dân dã và rẻ tiền nhưng ai đã 1 lần thưởng thức mới thấy hết mùi vị rất đặc sắc của nó. Bánh bột lọc là một món ăn rất phổ biến ở Huế, không chỉ thế, theo thời gian không biết từ lúc nào nó đã xuôi vào đến tận mọi ngóc ngách của miền Nam mà vẫn giữ nguyên vẹn hình thức và cách sử dụng nguyên vật liệu.
Bánh Bột Lọc - món ăn dân dã Huế
Bánh Bột Lọc - món ăn dân dã Huế

Như các loại bánh Huế khác, bánh bột lọc được làm nhỏ và gói lá. Làm nhỏ để khi dọn ra mâm người ăn bao giờ cũng có cảm giác là nó ít, sẽ ăn hết không bị ngán từ cái nhìn đầu tiên. Tức là món ăn không áp đảo, chế ngự con người. Đó là nghệ thuật, là triết lý hài hòa của ẩm thực Huế. Các món bánh Huế từ bánh nậm cho tới bánh bèo, bánh ít trần, bánh đúc... đều chỉ ăn với mắm ớt loãng thật cay mà ko cần ăn kèm rau như các món mặn khác. 



Bánh Bột lọc Sài Gòn chỉ có tôm

Bánh bột lọc nho nhỏ, trong suốt phô bày con tôm và lát thịt đỏ au ăn với trái ớt xanh, cay vô kể nhưng cứ bắt người ta phải nhớ. Ăn bánh bột lọc có nhiều cái thú dẫn dắt từ từ khác nhau. Đầu tiên là cái thú lột bánh. Món này vốn gói lá như nem, chả... nên chỗ bán đúng kiểu thường để luôn lá dọn ra, người Sài Gòn lại sợ bẩn tay nên người bán thường lột sẵn bày ra dĩa và bánh của ngừơi Sài Gòn có đôi khi chỉ có tôm chứ không có thịt như bánh ở Huế. Lột xong tay cầm luôn miếng bột lọc chấm thẳng vô chén mắm ớt loãng rùi cho vào miệng cắn cái xực. Cho hết cả miếng vào, húp thêm miếng mắm cay nữa, nhai giòn giòn ngon ngon, ăn hoài ko ngán vì bột lọc ko có béo như bột bánh bèo, bánh nậm hay bánh đúc. Nhân tôm mằn mặn giòn giòn ăn cũng ko mau ngán như nhân đậu xanh của bánh ít trần.
Thường thì khi đến những quán ăn Huế ở Sài Gòn người ta chỉ ăn bánh bột lọc ít thôi, nhấm nháp lấy vị để ăn tiếp món khác. Món này để lúc cùng bạn vừa ăn vừa nhâm nhi tám chuyện, nói cười thật tươi, ăn một miếng bánh chấm với mắm ớt thật cay, hít hà rồi uống một ngụm nước trà ... một cảm giác thèm ăn cứ tuôn trào trong bạn cho mà xem...
                                                                                                                   Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bánh bèo xứ Huế

Không biết có tự bao giờ nữa. Giữa cái đất Sài Gòn mênh mông rộng lớn hơn 6 triệu dân này tìm đâu ra cái món bánh đậm chất quê nhà. Rất chi Huế mà người ta thường gọi là bánh Bèo. Sài Gòn cũng có bán nhiều nhưng không thể nào bằng thưởng thức món ngon ấy ngay tại nơi từng sinh ra nó... Bởi chút lành lạnh của cơn mưa phùn xứ Huế đã làm cho món đã ngon này ngon hơn gấp nhiều lần. Từng lang thang và mang trong mình một tâm hồn ăn uống nên mỗi khi nghe ai đó nói ở đâu đó có món ăn ngon mà rẻ thì phải cố cho bằng được đến nơi mà mình muốn thưởng thức món mà mình yêu thích.
http://www.khaihoanbar.com/Upload/ANHNB/IMGP1938.JPG

Gọi là bánh bèo, đơn giản là vì hình dạng của nó mỏng mảnh, tròn trịa như áng bèo hay biết đâu đó là cách chơi chữ của dân gian bởi giá nó cũng... bèo bọt (bình dân)giá như vậy. Có gì khoái bằng khi tới nơi mà mình muốn thưởng thức món ăn ngon khoái khẩu của mình. Vừa ngồi vừa ngắm, mắt cứ nhìn chăm chăm vào đôi tay của bà chủ quán đang tráng bánh. Mùi hương của hành phi dầu mỡ thơm dậy cả đất trời thì hỏi môi lưỡi nào mà không thể không xuýt xoa? Mùi bột bánh vừa tráng xong mềm mại óng ả làm đôi mắt như muốn thèm ăn cứ đảo qua đảo lại không ngừng. Màu vàng rộm của tôm chấy lên thơm ngát mũi người ăn... Chao ôi! Sao mà hấp dẫn đến thế.

http://www.chudu24.com/f/m/081104/hanh/hinh-anh/Banh-beo.jpg

Tiết tấu chủ đạo để tạo nên món bánh bèo lừng danh xứ Huế là ở chỗ pha chế nước chấm. Nếu thiếu đi sự tinh tế trong pha chế nước chấm thì món có ngon đến cỡ nào cũng làm hư hao đôi chút. Nước chấm bánh bèo được chắt lọc rất kỹ lưỡng biết chừng nào. Người ta lấy nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm, khuấy thật đều. Nước chấm ngon là phải làm sao cho thật vừa, không mặn không nhạt và hơi ngọt một chút. Có thể thêm cà rốt xắt sợi để làm tăng sự hấp dẫn. Thậm chí có khi muốn đậm đà, nhiều người cho hẳn tôm khô đã băm nhuyễn vào chén nước chấm, ngọt và thơm đến ngỡ ngàng xao xuyến tâm hồn người ăn.
Tôm chấy đã đóng một vai trò không nhỏ chút nào làm tăng thêm hương vị của bánh bèo. Tôm khô hoặc tôm tươi lột sạch vỏ bỏ vô ngâm nước muối nhạt. Rồi vớt ra để thật ráo xong xào lăn qua mỡ hành đến độ chín vàng ươm màu lúa chín, cho thêm chút xả xào chung.Nhìn tôm được chấy vàng óng ả dòm sao đã 2 con mắt quá ai ơi. Mới nhìn thôi thì lòng đã trỗi dậy bao sự thèm ăn khát khao đến cháy lòng.
http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcShzUD974m_TiHZyNsdVo_lrhGXxtjHD_TlrGkqPnpL091Um35b


Nhìn đôi tay nhuần nhuyễn tráng bánh thì chao ôi khỏi nói. Thuần thục thoăn thoắt điêu luyện như đang múa trên khuôn bánh. Rồi khi bánh chín cho thêm gia vị như tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo tưới lên chén bánh trước khi ăn. Trên những cánh bèo trắng muốt, nổi lên phần nhân đo đỏ, tưởng tượng giống như áng mây ráng chiều tà sắp tắt nắng. Ăn bánh bèo cũng làm cho tâm hồn thêm thi vị lãng mạn đến vô thường. Người ta nói:
"Thưởng thức bánh bèo đúng cách là phải ăn bánh trong từng chén nhỏ đúng kiểu nhà quê chứ không cho ra đĩa, càng không dùng muỗng nĩa thông thường mà phải dùng một thanh tre vót nhẵn như hình lưỡi dao để cắt bánh mới thú vị"
http://t2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcR68-Za2uStxmTLCCErfBMkmUN96UY0vNNb-jg9QQng5Z9uyjLjsQ
Bánh bèo cũng thật là lạ, Chay mặn dù ăn nóng hay nguội đều ngon cả. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh dưới trời lất phất mưa phùn xứ Huế sẽ thấy ấm lòng biết bao. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, cắn nghe sừn sựt, giòn cả hai tai, nuốt vào mà vẫn còn như muốn níu kéo điều gì. Khắp trên mọi con đường Huế đều có bán món bánh ngon lừng danh bất hủ này.
Nếu ai đã từng và ít nhất một lần đến Huế quê Nội tôi mà quên thưởng thức món bánh bèo ngon đến nhức răng này. Thì coi như chưa hiểu hết gì về Huế. Như chưa từng khám phá ra sự tinh hoa của con người nơi đây. Phải nói rằng bánh bèo luôn quyến rũ làm ngẩn ngơ say đắm biết bao lòng người. Khó có thể nào quên đi một hương vị đậm chất quê mà khi đi xa đã trở thành một nỗi nhớ cho người xa xứ.
Sài Gòn một chiều đông không lạnh như xứ Huế quê nhà. Lòng chạnh buồn thương nhớ khi dòng đời còn xuôi ngược. Có ai biết? Có ai hiểu cho một cõi lòng đang miên man bất tận theo hương vị món bánh quê nhà đang thoang thoảng bay trong gió chiều Đông. Chao ôi! Chạnh lòng day dứt quá ai ơi. Không biết đang nhớ nhà nhớ Huế hay đang nhớ đến một món ngon dân dã mộc mạc quê nhà mang tên: bánh bèo... 

Cau Truong Tien 


                                                                                                  Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Rượu Bầu Đá

                          
Rượu Bàu Đá xưa nay nức tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Từng được nghe tiếng, từng được thưởng thức, nhưng thú thật tôi chưa có dịp về thăm nơi khai sinh ra thứ mỹ tửu lừng danh đó, dù nó chỉ cách nơi tôi đang sống chưa đầy 40 km. Dịp may, anh bạn làm nghề nhiếp ảnh rủ rê. Vậy là, một ngày chủ nhật, chúng tôi tìm về làng rượu Bàu Đá… 

Chủ nhà rót rượu mời khách theo cách rót của người làng rượu. Ly rượu đầy vun, tăm sủi phủ mặt ly nhưng không tràn ra ngoài.


* “Đệ nhất danh tửu”!
Gọi “làng rượu” cho oai chứ thật ra chỉ là một xóm nhỏ có truyền thống nấu rượu, tục danh Bàu Đá thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Từ thị trấn Bình Định đi về phía Tây chừng 7 km, gặp chiếc cầu bắc ngang qua sông Côn, rẽ ngang là đến xóm Bàu Đá; hoặc cũng có thể, từ Quy Nhơn đi theo Quốc lộ 19 đến địa phận xã Nhơn Lộc, theo đường rẽ ngang… cũng về xóm Bàu Đá.
Bàu Đá là tên của một bàu nước nhưng định danh cho một “làng rượu”. Không ai biết nghề nấu rượu ở xóm Bàu Đá có từ khi nào. Hỏi các bậc cao niên còn sống ở đây, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời chung chung: sinh ra đã thấy trong nhà có nghề nấu rượu rồi. Và nghề cứ truyền nối theo thời gian.
Rượu được chưng cất theo phương pháp thủ công. Bí quyết của rượu Bàu Đá chính là nguồn nước. Rượu không kén gạo, kén men, chỉ kén nước. Xưa người ta lấy nguồn nước mạch rỉ ra từ Bàu Đá. Nay bàu cạn, người ta dùng giếng khoan.
Mang nghề ra khỏi xóm Bàu Đá thì rượu nấu lên bất thành… rượu Bàu Đá! Nguồn nước như một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho làng rượu, để lưu truyền một thứ mỹ tửu nước trong vắt như pha lê, nhưng uống tới đâu “thấy” tới đó. Vì thế mà có nhiều giai thoại được lưu truyền về lương duyên giữa rượu Bàu Đá với các bậc tao nhân, mặc khách. Trước, thi sĩ Tản Đà trong một lần ghé chân đất An Nhơn được thưởng thức rượu Bàu Đá đã thốt lên: “Bàu Đá đệ nhị danh tửu”.
Mang hành trang nức tiếng thơm của rượu, chúng tôi háo hức tìm về xóm Bàu Đá. Duyên may, trong lúc lòng vòng hỏi thăm đường, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Lưu, một nghệ nhân nấu rượu kỳ cựu và cũng là trưởng xóm, vừa đi chợ về. Khi biết ý định của chúng tôi muốn đi tham quan xóm rượu để mở rộng nhãn quan về thứ mỹ tửu vốn lừng danh trong thiên hạ, ông Lưu cười xòa: “Mấy chú quá lời rồi. Nhưng đã đến đây là coi như khách quý. Dzìa nhà thưởng rượu cái đã!”. Lệ ở đây là thế. Khách đến xóm rượu, ghé thăm bất kỳ nhà ai đều được gia chủ nhiệt tình mời thưởng rượu.
Chủ nhà giảng giải: Người sành rượu nhận biết rượu Bàu Đá qua tiếng rượu chảy vào ly và vào lớp tăm sủi trên bề mặt. Còn khi uống vào, chuyện ngon dở thế nào tùy vào cảm quan từng người. Khách nâng ly rượu, nhẹ nhàng chiêu một ngụm. Rượu tràn qua cổ. Cảm nhận đầu tiên là mùi men dìu dịu, ngây ngất. Và sau đó, tất cả giác quan đón nhận “ngọn lửa” lan tỏa khắp cơ thể. “Rượu Bàu Đá uống dễ say nhưng lỡ quá chén để say thì chỉ cần ngủ một giấc, tỉnh dậy thấy sảng khoái vô cùng”.
Chủ nhà cho biết rượu Bàu Đá không giấu trong mình bí quyết gia truyền nào. Gạo nấu thành cơm, để nguội, đánh tơi rồi trộn men, cho vào xô nhựa ủ khô hai ngày đêm sau đó cho nước vào ủ thêm ba ngày đêm cho dậy men rồi nấu. Đơn giản vậy mà thành rượu. Thành thứ mỹ tửu nước trong văn vắt như pha lê, chứa đựng sự vi diệu của đất trời, khiến tâm hồn thi sĩ nơi đất võ, trời văn trong lúc đối ẩm cùng bạn hữu đã phải thốt lên rằng:
Ngần xanh như lửa và như tuyết/ Hay ngàn cánh hạc vỗ tâm can/ Say với càn khôn cho mãn giấc/ Cõi mơ không bó ở ngai vàng (thơ Nguyễn Thanh Mừng).
Ra khỏi gian bếp, theo con đường nhỏ, chúng tôi ra thăm miễu Bàu Đá, sau miễu là Bàu Đá ngày xưa. Bàu nước xưa giờ đã cạn, thành ruộng lúa bốn mùa tươi tốt. Cũng không sao. “Đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng mảnh đất này vẫn đang được gìn giữ, ngầm hóa. Nguồn nước để tạo nên “chất rượu” vẫn là nguồn nước được rỉ ra từ mạch ngầm của Bàu Đá ngày xưa.
* ... và thoáng chút ưu tư làng nghề!
Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi khi bước vào xóm là biển hiệu “làng nghề truyền thống” uy nghi, to đùng; đường vào xóm cũng đã được bê tông… Nghệ nhân Nguyễn Lưu khoe: “Cổng làng nghề và đường bê tông huyện làm cho. Mới đây, huyện còn tặng mỗi hộ nấu rượu một chiếc ang (nồi) đồng để nấu rượu”. Điều đáng quý là huyện còn đầu tư kinh phí để nghệ nhân làng rượu có cơ hội đi trình diễn nghề truyền thống ở các festival làng nghề trong và ngoài tỉnh.
Chừng ấy thôi cũng chưa đủ lực để vực dậy làng nghề truyền thống giữa thời buổi kinh tế thị trường. “Làng rượu” vẫn là một xóm nhỏ nằm khép mình giữa những lũy tre xanh, bao bọc bởi những cánh đồng lúa.
Đến xóm Bàu Đá giữa ban ngày không tìm được một lò rượu đỏ lửa! Người ta tranh thủ nấu rượu từ sáng tinh mơ (chừng một, hai nồi) để ban ngày còn đi làm ruộng, đi chợ, chăn nuôi… Xóm Bàu Đá hiện có 32 hộ nấu rượu. Tiềm lực thì có nhưng “kẹt” ở đầu ra! Làm một phép tính giản đơn: 5 kg gạo cho ra 3-4 lít rượu ngon, giá mỗi lít rượu ngon tại xóm là 12 ngàn đồng thì người nấu rượu lỗ là cái chắc! May nhờ hèm rượu nên nuôi được con heo, coi như lấy công làm lời. Xem ra làng nghề đang lay lắt chỉ để giữ lấy nghề!
Tạm biệt “làng rượu”, chúng tôi xuôi về thị trấn Bình Định. Trên Quốc lộ 1A từ An Nhơn đến Tuy Phước người ta bày bán không biết cơ man các nhãn hiệu rượu Bầu Đá (Bầu Đá chứ không phải Bàu Đá). Rượu tràn ra đường. Sắc xanh, sắc trắng. Xe khách Bắc Nam thỉnh thoảng dừng lại. Hành khách tranh thủ mua vài can rượu mang nhãn hiệu Bầu Đá xứ Bình Định về khoe với bạn bè hoặc làm quà. Cảnh mua bán diễn ra chớp nhoáng.
Lại thấy thương cho người giữ nghề nấu rượu truyền thống ở xóm Bàu Đá khi tôi nhớ đến nụ cười chua chát của nghệ nhân Nguyễn Lưu: “Rượu người ta bày bán ngoài đường không lấy từ xóm rượu Bàu Đá. Người ở xa, làm sao phân biệt được đâu là rượu Bàu Đá? Kiểu buôn bán này trước sau gì cũng bóp chết thương hiệu của làng nghề”.
                

                                                                                                 Nguồn: huongviquenha.blogspot.com
                                

Món Ăn Từ Hoa Thiên Lý Và Chuyện Tình Cảm Động

 Trong vô số những loài hoa làm nên nét độc đáo của ẩm thực Việt có lẽ duy nhất chỉ có hoa thiên lý là có nhiều chuyện để nói nhất. Là loài hoa nhỏ nhắn, không có gì nổi bật song đằng sau nó là một chuyện tình đẹp, có sức lay động lòng người. Không chỉ có thế, thứ hoa mộc mạc này còn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.
Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen.



Chuyện xưa kể rằng, có cặp vợ chồng nọ, rất mực yêu thương nhau, người chồng có tài thổi sáo. Tiếng sáo của chàng khiến cây cỏ, chim muông cũng phải mê mẩn. Chàng đã tham gia rất nhiều cuộc thi thổi sáo khắp nơi, nơi đâu chàng tham gia cũng đều đoạt giải. Trong số những con vật yêu thích tiếng sáo của chàng có con rắn lục tâm địa nham hiểm đã hóa thân giống vợ chàng như hai giọt nước nhằm chiếm đoạt chàng cho riêng mình. Chàng trai trở về nhà hoang mang không biết đâu là vợ mình thật bèn nhờ một ông cụ cao niên trong làng phân giải.

Trãi qua bao thử thách, cuối cùng con rắn lục độc ác cũng bị lộ tẩy, vợ chồng chàng trai tìm thấy nhau và có cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Vợ chàng trai có tên Thị Lý, trong thử thách cuối cùng để phân biệt thật giả, thị có nói dù có cách xa ngàn dặm, thị vẫn nhận ra được chồng. Kể từ đó, dân gian dựa vào ý trong câu nói của thị để đặt tên cho loài thân leo, kết những chùm hoa nhỏ nhắn với tên gọi Thiên Lý có nghĩa là ngàn dặm.

Canh thiên lý cua đồng
 Canh thiên lý cua đồng

Hoa thiên lý còn gọi là dạ lý hương, hoa nhỏ, màu xanh phớt vàng hình giống như ông sao năm cánh. Hoa thiên lý kết thành từng chùm, hương thơm dịu nhẹ thường được trồng phổ biến trong vườn nhà. Không giống như bông bí, hoa mướp, lục bình, bông điên điển… chỉ xuất hiện trong những bữa cơm đạm bạc đồng quê thì hoa thiên lý khá được ưa chuộng cả với người thành phố. Từ bông thiên lý có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu cho ra các món ăn hấp dẫn khác nhau. Mộc mạc như thiên lý nấu canh cua với hương thơm dịu nhẹ từ những cánh hoa, vị ngọt đậm đà nơi thịt cua đồng béo ngậy.

Trong khi đó thiên lý xào thịt bò, thiên lý xào tôm nõn là những món ăn thường trực trong bữa cơm người thành phố. Cũng có khi thiên lý xuất hiện trong món gỏi cá mè yêu thích của dân nhậu hay trở thành món ăn chủ lực bên nồi lẩu hoa thiên lý lạ lẫm, lôi cuốn.
Hoa thiên lý xào thịt bò 
Hoa thiên lý xào thịt bò

Dung dị đúng như ý nghĩa của mình, nấu món hoa thiên lý không hề phức tạp. Hoa thiên lý chọn những bông chơm nở, ngâm trong chậu nước cho bay hết bụi bẩn đồng thời cho hết kiến, chùm to thì tách làm hai, ba. Trong tất cả mọi món ăn, muốn giữ được hương thơm tự nhiên cùng màu xanh tươi của bông thiên lý bao giờ người ta cũng cho hoa sau cùng, đợi nước sôi hay ngấm gia vị là bắc ra ngay. Không chỉ “đắt hàng” nơi bữa cơm đạm bạc hay trên bàn tiệc sang trọng, đủ làm hài lòng dù những thực khách khó chiều nhất, hoa thiên lý còn là vị thuốc đông y rất có lợi cho sức khỏe con người. Cộng với mùi hương thoang thoảng, thiên lý ngoài đem lại “sắc” còn là loại hoa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt cao, thích hợp cho mùa hè.


Ban đầu, nhiều người khi chưa quen nên không mấy mặn mà với những món hoa thiên lý, nhưng càng ngày càng có nhiều người yêu quý loài hoa có mùi hương dung dị và mộc mạc này. Nhiều gia đình còn trồng riêng một giàn thiên lý trước sân, ngoài chức năng làm đẹp lại có thêm một món rau thường trực sẵn trong vườn.

                                                                                                                                Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bông Điên Điển Món Ăn Dân Dã Của Người Miền Tây

 Với người dân miền Tây Nam bộ, bông điên điển không chỉ để ngắm, mà còn chế biến được vô vàn món ăn ngon và lạ. Điên điển kho cá linh, bánh xèo điên điển…
Cứ mỗi khi mùa nước nổi về, con nước chở đầy phù sa bồi đấp thêm cho những cánh đồng khô cằn ở miền Tây quê tôi cũng là lúc hoa điên điển nở rộ khắp nơi. Hiếm có loài hoa nào vừa có thể để ngắm và vừa có thể ăn như hoa điên điển.
Nghe đến cái tên thôi nhiều người cũng thấy ngồ ngộ và thắc mắc lắm, sao lại có tên hoa lạ lùng đến thế. Chính người dân nơi đây cũng không thể nhớ nổi hoa có từ bao giờ và nguồn gốc xuất xứ như thế nào. Chỉ biết rằng cứ mỗi khi con nước lớn về là hoa lại vàng rộ khắp những cánh đồng, men theo những con đường đê…
             
Bông điển điên vàng rực không thua bất cứ loại hoa chốn thành thị nào.
Chiều hoàng hôn miền Tây
Không ngon sao được khi hoa vừa mới hái vào, con tươi nguyên, lại đẹp rực rỡ, rửa qua nước cho sạch rồi chỉ cần thêm một nồi cá kho là có được bữa cơm ngon lành. Gọi nôm na theo cách người dân miền Tây là món bông điên điển chấm cá kho. Nhưng cá, nếu muốn ngon, thì phải là cá linh, loại cá bé xíu, khi kho với nước dừa dậy lên mùi thơm phức khiến ai ăn một lần cũng phải nhớ mãi.
Cá linh kho ăn với bông điên điển
Sẽ rất thiều xót nếu không kể đến món canh chua bông điên điển. Chỉ duy nhất ở miền Tây mới có thể thưởng thức được cái món ngon độc đáo này. Vẫn công thức canh chua lâu nay, nhưng người dân nơi đây khéo léo cho thêm bông điên điển tạo nên một mùi vị vô cùng hấp dẫn và lạ lùng. Cái chua chua của me, cái ngọt của cá và cái thơm của bông điên điển có thể làm dịu mát đi cơ thể giữa cái nóng trưa hè oi bức.
Ai bảo người miền Tây không sáng tạo, khi chỉ với một loại hoa mà có thể cho ra đời vô vàn món ngon độc đáo khác nhau mà không đâu có được. Bạn đã thử chưa món gỏi bông điên điển, chỉ một lần thử qua cũng đủ khiến bạn say mê với mùi vì là lạ của nó.
Cái giòn giòn của bông súng, vị ngọt của những con tép be bé, vị chua của giấm, vị thơm của rau và cả cái màu vàng đặc trưng. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã có thể trở thành một món đặc sản dân dã.
Nếu hôm nào dư giả, cả nhà sẽ cùng nhau quây quần bên nồi lẩu mắm cá linh. Người dân ở đây, mỗi mùa cá linh vẫn thường hay ủ lại một ít để làm mắm phòng khi “thèm” quá mà không có cá linh tươi thì sẽ dùng tạm món mắm cá linh.
Mắm cá linh cũng vậy, muốn ngon và đặc trưng nhất định phải ăn kèm với bông điên điển và các loại cá tươi vừa mới bắt lên. Chỉ có vậy mới có thể cảm nhận được hết cái hương vị giản dị nhưng không kém phần quyến rũ của món ngon này.
Cầu kỳ hơn, phức tạp hơn chính là cách chế biến bánh xèo. Bột chính là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên độ ngon cho bánh, nhưng bánh lại sẽ càng ngon hơn với nhân điên đển. Mới nghe thôi mà đã thấy bụng cồn cào, vì vị ngon, ngọt, thơm, béo của bánh sẽ được hòa quyện với vị đặc trưng của bông điên điển tạo nên một vị bánh xèo lạ lẫm… nhưng ngon thôi rồi!
Bánh xèo bông điên điển


                                                                                                                                Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Ba Khía Miền Tây

Trong những đặc sản nổi tiếng ở vùng rừng ngập mặn, phải kể đến món  ba khía miền tây .

Ba khía trông gần giống cua đồng, đúng hơn là giống con nha với hai càng đỏ nâu, phần dưới của tám cái ngoe lấm tấm lông tơ mịn, mai màu nâu sẫm có ba vạch - có lẽ vì vậy nên thành tên "ba khía" chăng?. Ba khía thường quần tụ nơi gốc cây mắm, đước để ăn trái mắm rụng.
Ba khía đặc sản rừng ngập mặn
                                         Ba khía đặc sản rừng ngập mặn
Người địa phương có kinh nghiệm cho rằng ba khía gạch son, thịt chắc là do ăn trái mắm đen, còn ăn trái mắm trắng thì gạch màu tro không ngon bằng.
Mùa bắt ba khía vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch. Việc này rất vất vả vì phải lặn lội vào rừng ban đêm, thường là người nghèo làm vì sinh kế. Họ chuẩn bị gạo, nước, khạp... xuống xuồng chèo chống, neo đậu ở bìa rừng đợi đêm xuống. Vùng rừng ngập mặn Rạch Gốc - Cà Mau có lẽ là quê hương của ba khía. Tập tính của chúng là đào hang ở những vạt rừng khô ráo rồi kéo đàn kiếm ăn. Hàng năm đến mùa, thường vào tháng mùa mưa, trời không trăng, người người từ các tỉnh lận cận đổ về tham gia bắt ba khía với qui mô lớn. Theo những người lớn tuổi kể lại thì ngày trước ở vành đai ruộng rừng xã Gia Thuận, Tân Phước (huyện Gò Công Đông-Tiền Giang) cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi của ba khía. Ban đêm ở rừng "muỗi kêu như sáo thổi" mà gặp lúc trời mưa rỉ rả thì càng cực gấp bội. Trang bị quần áo dày, khăn che mặt, bao tay, giỏ tre, đuốc... coi như đủ lệ bộ.
Ba khía đặc sản rừng ngập mặn
                           Ba khía đặc sản rừng ngập mặn
Thường đi có đôi có bạn đỡ đần nhau, người này xua muỗi, soi đuốc cho người kia bắt. Phải nhanh tay lẹ chân, bằng không chúng sẽ tọt mất xuống hang. Gặp đêm ba khía rộ thì cắm cán đuốc xuống bùn để bắt cho nhiều. Điều không giải thích được là vào trung tuần tháng 10 âm lịch hàng năm là thời điểm ba khía "hội", giống trường hợp dòng họ nhà còng lột vỏ đồng loạt vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ba khía chẳng biết từ đâu tập hợp về nhiều vô số kể. Chúng lúc nhúc từng chùm đen kịt đeo bám trên các rễ cây đước, cành mắm hai bên bờ rạch không chừa khoảng trống nào!. Người ta không có thời giờ bắt từng con mà quơ hốt từng bụm tay. Hiện tượng này xuất hiện khoảng 3 ngày rồi đạo quân ba khía tự tan đàn, tản mác và chờ "hội" năm sau đến hẹn lại lên. Bắt ba khía tuy cực nhiều nhưng rất vui và đầy hứng thú...
Ba khía rửa sạch trước khi muối theo tỉ lệ nhất định, không được nhạt và không quá mặn. Muối độ một tuần, ba khía ăn được mà vẫn giữ màu sắc như lúc còn sống là đạt chất lượng. Những con ba khía vỏ mỏng, càng đỏ, nặng chắc, yếm đầy trứng mới thật ngon. Ăn ba khía kiểu "dã chiến" thì tách mai, xé từng ngoe trộn với nước cốt chanh, tỏi, ớt, đường và không dùng lẫn với các món khác , vì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của đặc sản này. Gỡ gạch son, gạch tro trong mai ra, ăn nhẩn nha để thưởng thức vị ngọt thơm. Ở quê, đang bụng đói mà có độ mươi con ba khía ăn với cơm nguội, dưa leo, ớt hiểm thì ngon mê tơi, đúng với câu "ăn cơm mắm thấm về lâu" !.
Muốn ăn "gỏi" thì chọn ba khía loại to, rửa sơ bằng nước ấm, tách bỏ mai, yếm, móng đầu ngoe, xé miếng nhỏ, đập dập càng... cho vào tô trộn đều với gia vị gồm chút rượu trắng, đường, tỏi, ớt, sả bằm nhuyễn, nêm nếm vừa miệng. Đậy kỹ, để gia vị ngấm đều (hôm trước trộn, hôm sau ăn là ngon). Đu đủ chín hườm xắt lát mỏng hoặc bào sợi rồi trộn đều với ba khía, rau răm, thêm chút nước chanh. Ăn với cơm nóng hay bún tùy sở thích. Sau đó nên uống trà chanh tráng miệng, vừa khử mùi vừa dễ tiêu hóa. Những người đã một lần ăn ba khía thì khó mà quên được hương vị khó tả này. Con ba khía bây giờ ngày càng hiếm, e rằng đến lúc nào đó không còn nữa thì thật buồn tiếc cho những ai đã từng nếm qua món đặc sản này, tuy bình dân mà thấm đậm hương quê...

                                                                                                                                     Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bánh Cuốn Phủ Lý Hà Nam

Nổi tiếng với chùm thơ Thu của cụ tam Nguyên Yên Đổ và câu chuyện tình yêu Chí Phèo - Thị Nở thì nay những ai đã từng đi qua mảnh đất Hà Nam hẳn không quên hương vị món bánh cuốn chả nướng thơm lừng, vừa dân dã vừa đượm tình người xứ chiêm.
Bánh cuốn vốn là thức bánh quen thuộc của người dân Hà Thành, nhưng không giống bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn làng Kênh Nam Định…bánh cuốn Phủ Lý có hương vị rất riêng, gần gũi với ẩm thực Hà Nội, nhẹ nhàng mà tinh tế.


che-phu-ly-1.jpg
Vào mùa nóng, ăn bánh cuốn chả Phủ Lý sẽ không bị nóng và ngán như bánh cuốn thịt bình thường.

Bánh cuốn được làm từ gạo tẻ, trắng ngần và tráng mỏng, dụng cụ làm bánh cũng khá đơn giản. Thường thì khi khách tới ăn, chủ quán mới bắt đầu tráng bánh để bánh vừa nóng, vừa thơm mùi của gạo. Bàn tay nhanh thoăn thoắt múc gáo bột tráng đều trên khuôn tròn, nhanh tay dùng gáo láng cho bột tráng mỏng trên mặt khuôn, chừng mấy phút là được mẻ bánh. Bánh lấy ra phải trắng muốt, óng ả và không được rách, miếng bánh phủ chút hành khô phi thơm dậy mùi.

Bánh cuốn Phủ Lý ăn kèm với chả nướng. Thịt tẩm ướp gia vị rồi xiên vào que tre đem nướng trên than hoa hồng rực tỏa mùi thơm phức. Những miếng thịt xèo xèo trên than, vàng ruộm, thỉnh thoảng những giọt mỡ ngậy chảy xuống làm than lại rực cháy. Chả khi chín phải vàng xém cạnh, thịt săn lại, chỉ cần ngửi mùi quạt chả của chủ quán, nhiều thực khách đã thòm thèm.


che-phu-ly-2.jpg

Đĩa bánh cuốn trắng tinh dẻo mềm với lớp hành phi vàng óng.

Chả nướng sẽ được chan nước chấm nóng với đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, nhưng các vị đều rất hài hòa, rắc chút hạt tiêu và thêm đu đủ xanh. Bát nước chấm đậm màu của nước mắm, xanh xanh của đu đủ, vàng của chả nướng.

Bánh cuốn ăn kèm với đôi ba quả sung nếp, rau húng, ít giá và hoa chuối, thân chuối nõn thái chỉ. Với những khách sành ăn thường gọi nước chấm có thêm vài giọt tinh dầu cà cuống. Theo như lời một chủ quán, tinh dầu này làm cho nước chấm đậm đà hơn và thực khách sẽ nhớ mãi hương vị riêng của bánh cuốn chả nướng nơi đây.


che-phu-ly-3.jpg

Chả nướng ăn với bánh cuốn đậm đà.

Nét độc đáo nữa là có thể ăn kẹp bánh cuốn với bánh đa nướng. Một miếng bánh cuốn nóng sẽ được kẹp trong hai lớp bánh đa quạt vừng, bẻ ra từng miếng nhỏ đặt trên đĩa. Cắn miếng bánh đa vừng giòn rụm bùi bùi quyện với lớp bánh cuốn mịn béo, ngon là lạ thật thú vị.

Bất kể ai đã từng vào Nam ra Bắc qua Phủ Lý đều dừng chân thử món ngon này và ăn một lần vẫn muốn ăn nữa. Để phục vụ thực khách nhiều quán bánh cuốn chả Phủ Lý đã bán cả ngày lẫn đêm, mà quán lúc nào cũng đông nghịt khách. Món bánh cuốn chả nướng Phủ Lý còn chinh phục cả thực khách Hà thành sành ăn. Hai năm gần đây, đã có nhiều quán được mở trên các phố phường Hà Nội.

                                                                                                 Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bún Cá Miền Tây

Về miền Tây mà chưa thưởng thức bún cá (thường được gọi chung là bún nước lèo) là bạn đã bỏ qua hương vị “nhất phẩm” miệt đồng xứ lúa.


bn c.jpg

Nếu Kinh Bắc có món phở, Kinh kỳ có bún bò Huế, thì bún cá miền Tây dù “tuổi đời” còn non trẻ như chính vùng đất khai sinh ra nó, nhưng cũng không kém cạnh các bậc đàn anh đàn chị về hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nét độc đáo của bún cá nằm ở sự “biến hóa” phong phú theo dòng chảy con sông Cửu Long: đến mỗi vùng miền, bún cá lại chuyển đổi hương vị, khoác lên mình một cái tên mới, đậm chất địa phương: bún kèn/bún cá Châu Đốc, bún nước lèo Trà Vinh, bún mắm Sóc Trăng,…

Nguyên liệu chính của bún cá là cá lóc, cá rô đồng hoặc mắm cá, nhưng hương vị thật sự làm nên nét riêng của từng món bún cá lại là từ củ ngải bún – một loại gia vị đặc trưng chỉ có ở miền Tây.

Củ ngải bún còn gọi là ngải hẹ, tên khoa học là auttum crosscus, có nguồn gốc từ Campuchia. Ngải bún mọc hoang trong những khu rừng ở Seam Reap, Battambang... Người Việt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ sang Campuchia lập nghiệp đã mang củ ngải bún về trồng ở Việt Nam cách đây khỏang 45 năm. Ngải bún dùng để nấu bún nước lèo (num-chóc) và món kèn dừa (xăm-lo bờ-hơ), hai món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của những gia đình người Việt từng cư ngụ tại Campuchia, hiện đang sống rải rác khắp các tỉnh Nam Bộ.

giavi7.jpg

Ngải bún được trồng bằng củ vào đầu mùa mưa ở miền Nam, khoảng đầu tháng 5 dương lịch. Đất trồng phải tơi xốp, không úng nước, thường là đất đen pha sỏi nhỏ. Lá ngải bún là lá đơn dài, hình lưỡi mác, giống lá nghệ, nhưng nhỏ hơn. Cây ngải bún không có hoa, phát triển nhiều ở phần củ. Trồng khoảng 5 - 6 tháng, đến cuối mùa mưa, sau khi phần lá lụi tàn, là lúc người ta thu hoạch củ ngải bún. Ngải bún có hương thơm dìu dịu, vị ngai ngái, gợi nhớ đến hương vị của đất đai, núi rừng hoang dã.

Điều thật sự khác biệt của món bún cá chính là hương vị thanh đạm (do nước dùng nấu từ cá), món ăn không chứa nhiều dầu mỡ và chất béo như các loại bún mì nấu từ thịt. Bên cạnh đó, rau xanh dùng kèm lại rất phong phú và đa dạng. Chỉ bấy nhiêu là đã đủ “lập danh” cho bún cá miền Tây

                                                                                                Nguồn: huongviquenha.blogspot.com 

Bê Thui Cầu Mống Đất Quảng

Nếu có ai một lần về thăm Quảng Nam, nhớ đừng bỏ qua món Bê thui Cầu Mống của mảnh đất Gò Nổi đã trở thành “danh bất hư truyền” này nhé!


Ẩm thực Quảng Nam, khám phá món bê thui Cầu Mống


Đầu phía bắc cầu Câu Lâu trên quốc lộ 1A có xóm Cầu Mống (thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn tấp nập xe cộ. Người bản xứ hay khách du lịch đều thường xuyên ghé đến dãy hàng quán bán bê thui ở khu này để tận hưởng hương vị ngon lành của ẩm thực xứ Quảng.


Món ngon này nổi tiếng đến độ các anh tài xế đường xa thường truyền nhau câu cửa miệng: “Bất thực Bê thui, bất đáo Quảng Nam” (Không ăn món bê thui thì xem như chưa đi thăm xứ Quảng)
 
Ẩm thực Quảng Nam, khám phá món bê thui Cầu Mống
 
Bê con 5 tháng tuổi đến lúc thích hợp để làm thịt ở Cầu Mống có khi nặng gần 100kg. Ngày trước, khi bê chưa được thui bằng than, người ta phải thui bằng củi dâu nên con bê chín tới, chín đều và thơm ngọt. Ngày nay, tuy cách thui đã có phần “hiện đại” hơn, song đây vẫn là món trứ danh đất Quảng.
 
Bê thui xong, xẻ bốn đùi treo trước hiên nhà. Mỗi khi có khách, chủ quán cắt một vạt thịt xắt từng lát mỏng, thấy rõ hai tầng thịt tái, chín. Đến nay, món ăn này đã trở thành “thương hiệu” mà bất cứ ai đến Gò Nổi cũng đều phải thưởng thức.
 
 
Thịt bê ở những vùng khác thịt thường mỏng mà không thơm, còn bê Cầu Mống lại ngon đáo để. Ai đã từng ăn qua cũng sẽ không tiếc lời khen ngợi.
 
Ẩm thực Quảng Nam, khám phá món bê thui Cầu Mống
 
Một trong những nét riêng để Bê thui Cầu Mống khác hẳn với những hương vị bê thui của vùng miền khác là do rau sống và nước chấm.
 
Bê thui Cầu Mống được ăn cùng với đủ loại rau của miền quê, nào là tía tô, ngò thơm, xà lách, cải con, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, rau húng, rau quế, giá… Đây cũng là loại rau vùng Trà Quế đã quá nổi tiếng ở Hội An-Quảng Nam.
 
 
Làng rau này mỗi ngày đều cung cấp cho các chợ lớn bé những loại rau phong phú, tươi xanh và đặc biệt là rất sạch sẽ. Thiếu đi rau sống Trà Quế, người ta bảo bê thui Cầu Mống cũng mất luôn linh hồn. Nếu đến Hội An, bạn hãy dừng bước để ngắm nhìn không gian bao ra, rộng mát xanh tươi của làng rau này nhé!


Ẩm thực Quảng Nam, khám phá món bê thui Cầu Mống
 
Sau nữa là nước chấm. Từng lát bê thui được xắt mỏng, cuốn với bánh tráng mỏng (còn gọi là bánh tráng lề) rồi chấm với mắm cái. Đây là loại nước chấm được tinh chế từ cá cơm, cá nục tươi rói của những vùng chài ven biển Hội An.
 
 
Những con cá nguyên chất được đem về gạn ép xác, lọc lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn cùng ít gừng, mè rang, bên cạnh đó còn rất rất nhiều những gia vị khác. Tuy nhiên, những gia vị đặc biệt ấy được chủ quán giữ kín, cũng đúng, vì đó là bí quyết mà! Nhờ bí quyết ấy mới có thể tạo nên sự tinh túy của ẩm thực địa phương.
 
Đến với hàng quán bê thui Cầu Mống, bạn còn có thể gọi thêm những loại thịt như thịt ba chỉ, thịt mông, thịt bắp, da… tùy theo nhu cầu và khẩu vị. Bên cạnh đó, người ta còn bán thêm nhiều những món khác từ thịt bê như xáo, gân, xương hay bún tái… Những miếng thịt bê thơm lừng, mềm và ngon, không hề dai chút nào cả.
 
Ẩm thực Quảng Nam, khám phá món bê thui Cầu Mống
 
Ngay cả củ tỏi ăn kèm với nó cũng là của vương quốc tỏi Lý Sơn mới “chịu”. Chỉ nghe qua hãy nhìn thấy đĩa thịt bê thui Cầu Mống thôi thì du khách cũng đã rất thèm thuồng và hình dung ra được hương vị ngọt lành của nó khi thưởng thức.   


                                                                                                                  Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Nộm Sứa Xoài Xanh Đà Nẵng

Chiều hè nóng nực, thèm được ngồi nơi bãi biển Đà Nẵng và thưởng thức món nộm sứa xoài xanh, món "đồ sống" lần đầu tiên trong đời tôi được trải nghiệm.

Du lịch ẩm thực Đà Nẵng, đặc sản nộm sứa xoài xanh
Nộm sứa xoài xanh

Đà Nẵng là nơi đầu tiên tôi biết ăn “đồ sống”. Lần đầu tiên từ Hà Nội theo bạn bè du ngoạn Sơn Trà, vốn chưa bao giờ thử ăn đồ sống nên nhìn bạn bè háo hức với nào gỏi cá, gỏi tôm chấm mù tạt, vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay vừa vui thích vì được thưởng thức món ăn ngon miệng, tôi cũng muốn thử cảm giác... mạnh.

Tôi tò mò nhìn vào đĩa nộm sứa để trên bàn. Trông cũng khá bắt mắt. Một người bạn Đà Nẵng nhìn tôi khuyến khích: “Ăn thử một lần đi, nộm sứa ăn rất mát và ngon. Đây cũng là món “đồ sống” gần như dễ ăn nhất đấy”.

Tôi bắt đầu ăn bằng cách thử một lát xoài xanh. Vị nộm khiến vị giác bị hấp dẫn. Thấy cũng được, tôi "dũng cảm" gắp luôn một miếng nộm sứa, kèm một vài sợi xoài, một lát chuối xanh, rau thơm, mấy hạt đậu phộng. Tất cả được chấm với một chút mắm tép và đưa lên miệng. Vị ngọt ngọt, chua chua, mát mẻ thấm vào lưỡi lan ra.

Du lịch ẩm thực Đà Nẵng, đặc sản nộm sứa xoài xanh

Sau cảm giác sợ hãi là ngon. Cảm giác cái nắng mùa hè biển Đà Nẵng như tan ra trong gió. Tôi phì cười. Cả nhóm cũng phá ra cười.

Nộm sứa xoài xanh ăn với mắm tép mới gọi là chuẩn vị. Sứa là hải sản dễ kiếm ở Đà Nẵng, lại rẻ, mắm tép cũng vốn là đặc sản từ lâu của miền đất thơ mộng và trù phú này.

Thấy tôi có vẻ "cố gắng" học hỏi, người bạn chủ nhân của bữa tiệc gỏi toàn đồ hải sản cho biết sứa bắt từ dưới biển lên làm sạch, cắt bỏ những phần gây ngứa rát và không ăn được, ngâm nước muối phèn để bớt nước và làm thân sứa trở nên giòn hơn. Sứa dùng để trộn nộm thường là loại sứa chân, ít nước và sợi tua dai, giòn như gân sụn.

Để trộn nộm, sứa được thái thành các miếng mỏng, bản dài rộng cỡ ngón tay, trần qua nước sôi, để ráo. Xoài xanh băm nhỏ thành sợi, để nguyên cả vỏ. Chuối xanh xắc lát mỏng. Pha nước trộn nộm chua ngọt gồm các gia vị: đường, chanh, muối, ớt và trộn đều các nguyên liệu lên với nhau cho ngấm. Cuối cùng rắc lên trên một ít đậu phộng rang đập dập và hành khô, cùng với các loại rau thơm.

Giữa trưa hay chiều hè nóng nực, ngồi dọc bãi biển hay trong các quán ăn hải sản, bàn ghế chật kín khách, hớp một ly bia hơi mát lạnh, thưởng thức món nộm sứa xoài xanh trước khi thưởng thức tiếp các đặc sản ngon lành của vùng biển miền Trung thật là một kỷ niệm khó quên trong hành trình khám phá Đà Nẵng của chúng tôi.

                                                                                                       Nguồn:  huongviquenha.blogspot.com

Cá Bống Sông Trà Khúc

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu.
(Ca dao)

Người dân Quảng Ngãi ngày xưa hầu như ai cũng một đôi lần thưởng thức món cá bống sông Trà kho tiêu. Một món ăn nghe rất bình dân, nhưng ai đã từng ăn một lần là nhớ mãi suốt đời, cho dù có đi nơi đâu cũng không bao giờ quên như chàng trai trong bài ca dao này.

Ẩm thực du lịch Quảng Ngãi, đặc săn cá Bống sông Trà
Cá bống sông Trà kho tiêu

Cá bống có nhiều loại: cá bống mú, cá bống vồ, cá bống nhọn, cá bống cát. Cá bống cát thịt chắc, chính là loại cá được nhắc trong câu ca dao.

Nói đến đánh bắt cá bống thì có nhiều cách: thả ống, kéo ngao, thả rận. Mỗi mùa có một kiểu đánh bắt phù hợp. Chẳng hạn vào thời điểm này (nửa cuối tháng tư, đầu tháng năm, tức là thời điểm cá chửa và đẻ trứng), người ta chọn những nơi nước trong, không chảy, đem ống ra cắm từng hàng ngang, thẳng góc với dòng nước. ống được làm bằng tre khô dài khoảng 40cm có đốt ở giữa đoạn, hai đầu trống để cá chui vào đẻ trứng.

Cắm ống cách đáy sông khoảng chừng nửa mét. Các ống cách nhau từ 3-4m. Ở phía trên ống người ta cắm vè tre hoặc ống sặt cao hơn mặt nước 1,5m để làm dấu lúc bắt cá và tránh ghe thuyền qua lại khỏi va chạm vào ống. Cứ một ngày người ta dốc ống một lần, thường là vào buổi sáng. Có ống năm sáu con. Có ống không có con nào.

Cá bắt được đem về đánh vảy, chặt vi, chặt đuôi lấy hết ruột rồi bỏ vào thúng trộn một ít muối hột chà xát nhiều lần cho sạch, rửa sạch muối, bỏ vào tô ướp củ nén, tiêu, ớt, bột ngọt, đường, nước mắm, phải dùng nước mắm loại hảo hạng thì cá mới ngon. Khoảng 10 phút sau mới đổ cá vào trách đất đã rán mỡ nóng và khử hành. Không có trách đất thì dùng xoong nhôm hay xoong inox cũng được, nhưng dùng trách đất cá ngon hơn.

Đun lửa nhỏ cho đến khi cá chín. Cá vừa chín xóc trách cho đều để cá lớp dưới lật lên trên, lớp trên lọt xuống dưới, không được dùng đũa trộn vì cá sẽ nát mất ngon. Sau cùng cho màu và rắc thêm tiêu vào. Mùi thơm của cá, của tiêu và của nước mắm quyện vào nhau thành một mùi vị đặc trưng khó tả. Món này dùng ăn với cơm hoặc lai rai với bia, rượu. Dù ăn kiểu nào thì vẫn ngon tuyệt vời.

Món này một thời người dân miền núi Ấn sông Trà dùng làm quà thăm sui gia hoặc làm quà hỏi vợ. Có biết bao cô gái đã xiêu lòng những chàng trai cũng chính vì món này:

Phải đâu chàng nói mà xiêu
Tại con cá bống tại niêu nước chè... 


                                                                                                 Nguồn: huongviquenha.blogspot.com
 

Bánh Ít Lá Gai Bình Định

uy mộc mạc đơn sơ nhưng bánh ít lá gai đã trở thành món quà mang về không thể thiếu mỗi khi du khách về thăm mảnh đất Bình Định mưa nắng hai mùa…

Bánh ít lá gai - cái tên nghe dân dã mà chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa. Vị dẻo thơm, ngọt bùi của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm qua thứ bánh ấy.
 
Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh trông tựa như tháp Chàm cổ kính.

Ẩm thực du lịch Bình Định, đặc sản bánh ít lá gai
Tháp Bánh Ít - Bình Định

Trên chuyến xe từ Bắc vào Nam qua khỏi thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) chừng 3 km nhìn về phía tay trái bạn sẽ thấy cụm tháp Chàm sừng sững trên chỏm núi, người ta gọi là tháp Bánh Ít. Có lẽ vì thế mà những chiếc bánh ít được gọi tên từ sắc màu huyền thoại của tháp Chàm rêu phong cổ kính.
 
Dù có rất nhiều nơi làm ra món bánh này, nhưng riêng tại mảnh đất Bình Định, nó vẫn mang một nét rất riêng khó có thể nhầm lẫn.

Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ.

Đầu tiên là tìm lá gai, giúp cho bánh có màu xanh đen và mang lại hương vị chát rất đặc trưng. Lá gai hơi sần, xốp, khô khô, rửa sạch, luộc chín, để thật ráo nước rồi đem vào cối giã. Phải là trai lực lưỡng mới đủ sức quết. Gọi là quết vì là cần nhuyễn như bột nên phải giã lâu.  Công đoạn này khá vất vả vì nếu giã chưa nhuyễn thì bánh ăn sẽ không mịn màng.

Ẩm thực du lịch Bình Định, đặc sản bánh ít lá gai
Lá gai có hình tim, hơi sần, khô... tạo vị chát đặc trưng cho bánh.

Nếp dùng làm bánh ít  phải là nếp mới, thơm, độ dẻo vừa, đem vo kỹ, ngâm  với nước vài giờ, sau đó mới xay nhuyễn để có được một khối bột dẻo.Sau đó trộn với đường đen và đổ từ từ vào cối. Quết đôi ba chày phải thoa dầu phụng sống vào đầu chày để bột khỏi dính và dầu được trộn đều.  Khi bột vừa đủ ráo, lấy ra, ngào bột nhiều lần cho thật dẻo rồi chia thành từ khóm nhỏ vừa đủ làm một cái bánh.

Sau nữa là công đoạn làm nhân. Thông thường bánh ít lá gai sẽ có nhân là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm. Đôi khi nhân bánh người ta dùng tôm xào với thịt tạo ra món bánh ít mặn. Đậu xanh  đem xay bửa đôi rồi  ngâm và đãi cho  sạch vỏ trước khi luộc chín . Cùi dừa được bào ra thành sợi , bỏ vào chảo  gang  xào chung với đường một lúc cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu xanh.

Xào nhân trên bếp lửa liu riu cho đến khi  nào đường chín tới, nhân có màu vàng sẫm, dẻo quánh, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa. Lá chuối chuẩn bị được cắt khoanh tròn và hơ qua lửa cho mềm.

Sau khi chuẩn bị xong thì tiến hành nắn bột thật mỏng, cho nhân vào bên trong bóp chặt và vo tròn, thoa đều bánh và lá bằng dầu, ngon nhất là dầu phộng. Sau đó gói bánh lại theo kiểu bẻ gấp một đầu hoặc hình tháp vuông rồi đem hấp cách thủy. Chờ cho bánh chín thì vớt ra để nguội, đập nước đọng ở đầu bánh cho ráo, sửa sang lại bánh và cho vào rổ để ráo bánh. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn.

Một chiếc bánh ít ngon được đánh giá là phải dẻo nhưng khi ăn thì không bị dính răng, có vị tinh khiết của lá gai, vị dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dầu, vị bùi của đậu hòa quyện mà thành. Ở những vùng quê của tỉnh Bình Định, đám giỗ nào cũng có bánh ít lá gai. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và làm quà bánh cho người ở nhà. Đây cũng là  nét đặc trưng trong  văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người Bình Định.

Ẩm thực du lịch Bình Định, đặc sản bánh ít lá gai
Những chiếc bánh được gói rất đều và đẹp mắt.
 
Chính vì sự tỉ mỉ trong quá trình làm bánh mà người dân Bình Định thường hay dựa vào tài làm bánh mà đánh giá mức độ giỏi giang bếp núc của cô con dâu nhà mình. Qua thời gian, sự du nhập của các loại bánh Tây vừa nhanh gọn, tiện lợi càng phát triển rộng rãi.
 
Thế nhưng nghề làm bánh ít lá gai vẫn duy trì được cho đến tận hôm nay và trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ở Bình Định nói riêng cũng như miền Trung nói chung. Bởi không chỉ đơn thuần là một nghề, bánh ít lá gai còn thế hiện được vẻ đẹp, sự khéo léo của người đất võ.

                                                                                                  Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Dưa Muối Của Nội

Khi nắng tháng năm ngập tràn khắp nơi là lúc nội tôi lui cui làm mấy chum dưa muối. Vì thế sau này cứ mỗi độ hè về, lòng tôi lại nôn nao nhớ hương vị món ăn dân dã đã nuôi sống mình qua những năm tháng tuổi thơ nghèo khó.

Ẩm thực du lịch, đặc sản dưa muối


Quê tôi chủ yếu làm nghề nông, mọi người quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng lại là nơi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm tuổi thơ êm đềm với sự chăm chút ân cần cùng những món ăn dân dã, thắm đượm tình yêu thương bao la của nội, chỉ mong sao cháu yêu lúc nào cũng cảm thấy ngon miệng khi ăn.

Đầu vụ hè thu là mùa thu hoạch dưa gang ở quê tôi. Đây cũng là thời điểm nội muối mấy chum dưa gang để dành ăn những tháng ngày còn lại trong năm. Dưa gang hái về được nội lựa những quả không bị sâu bệnh, rửa sạch rồi phơi qua nắng nhạt cho ráo nước và hơi héo.

Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, giờ đây tôi đã khôn lớn, trưởng thành và được đi nhiều nơi, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ. Nhưng với tôi những hương vị của quả dưa gang muối nơi quê nhà của nội vẫn mãi mãi là tình yêu và nỗi nhớ trong suốt quãng đời còn lại.
Chum nước muối dưa luôn được nội chuẩn bị trước một ngày và chăm chút khá kỹ lưỡng. Nội hòa một lượng nước muối sao cho thật mặn, nếu nước muối nhạt dưa sẽ bị nhũn, nhanh chóng bị hư. Nội còn cho thêm một ít đường để nước muối dưa nhanh lên men.

Dưa gang được xếp ngay ngắn vào trong chum và dùng vật nặng đè lên trên để không nổi lên khỏi mặt nước. Khâu cuối cùng và cũng là khâu quan trọng nhất là đậy kín miệng chum lại và dặn dò mấy đứa cháu chúng tôi không được tò mò mở chum ra xem dưa đã ăn được chưa. Nội bảo nếu mở ra xem thường xuyên thì dưa sẽ dễ bị hư và lâu ăn được.

Suốt quá trình muối dưa, chỉ cần mở chum ra hai lần để kiểm tra xem có trái dưa nào nổi lên trên hay không và đảo dưa lên cho đều. Sau một tháng rưỡi dưa ngấm muối đều, có thể ăn được.

Khi ăn, chỉ cần lấy vài trái dưa muối ra rửa sạch nước váng, xắt lát, rửa qua nước lạnh vài lần cho dưa bớt mặn rồi vắt ráo. Dưa muối đạt yêu cầu là trái dưa săn chắc, vỏ dưa chuyển sang màu vàng nhạt, hơi nhăn nheo do bị chần bằng vạt nặng, không bị mềm nhũn khi vắt ráo nước, có vị dai, giòn, chua, mặn.

Ẩm thực du lịch, đặc sản dưa muối
Món dưa muối dân dã

Dưa muối (cắt lát dày) kho với nước cá, xào mỡ là những món ngon dân dã. Mắm dưa muối - nước mắm chanh, tỏi, ớt thêm một ít dầu phộng phi thơm hoặc đậu phộng rang là một món ăn lạ miệng và rất “chạy” cơm. Những bữa cơm thanh đạm với chén mắm dưa muối và tô canh rau vườn nhà là những món ngon dân dã dưới bàn tay chăm sóc khéo léo và tình yêu thương vô bờ bến của nội, đã nuôi tôi khôn lớn và trưởng thành.

Đặc biệt, trong những ngày mưa gió bão bùng, chợ đò xa xôi cách trở, những món từ dưa muối của nội thật đáng giá. Đấy cũng là những món ăn khá quen thuộc của bao nhiêu người dân quê nghèo ngày ấy.

                                                                                                Nguồn: huongviquenha.blogspot.com