Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Món càng còng gió

Lời bạt: "Thực sự thì bài viết này không chủ đích giới thiệu đến món ăn đặc sản của Sóc Trăng dù đây cũng là một món ăn khá thú vị ! Nhưng đã lỡ hứa với những người bạn trẻ mà tôi rất phục vì nhiều lẽ nên đành phải kể ra cho trọn".
Tuyến rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng hiện đang phát triển tốt dọc theo tuyến ven biển huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đã có trên 1.700ha/5.300 ha rừng phòng hộ ven biển đã được ngành lâm nghiệp ký hợp đồng với các hộ dân để khoanh trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích trên chủ yếu tập trung trong vùng dự án Bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển do Ngân hàng thế giới và tổ chức Danida (Đan Mạch) hỗ trợ (tính đến cuối năm 2003).
Trước mắt, có thể thấy:
1. Chính những mảng rừng Đước, Mắm của tuyến rừng phòng hộ là một tác nhân chính để các loại thủy sản sinh sôi ngày càng nhiều. Cá Kèo con xuất hiện nhiều trong khoảng từ năm 2000 đến nay, khi tuyến rừng phòng hộ ven biển huyện Vĩnh Châu, dài trên 20km phát triển mạnh và bãi bồi.
2. Chính bùn lấn rộng ra biển với mức từ 20 đến trên 50m mỗi năm là nơi sinh sản và phát triển lý tưởng cho cá kèo con, cua con và nhiều loài thủy sản mặn, lợ khác. Riêng với Cua biển con, bắt đầu từ tháng 9 sẽ xuất hiện rộ đến tháng 4 năm sau. Tính ra người ven biển Vĩnh Châu có việc làm quanh năm từ nghề khai thác thủy sản làm giống tự nhiên và nguồn lợi này đang mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân nghèo nơi đây. Nhưng thực ra, đặc sản "món Càng Còng gió" mới là chủ đích của người viết gửi đến những người bạn với hy vọng họ sẽ có dịp được thưởng thức, nhấm nháp...dù tôi biết rằng cách ăn của họ không giống như tôi !
Còng gió  
                                 Còng gió
Nếu đi sớm dọc theo biển Vĩnh Châu, tập trung ở khu vực biển Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, thuộc huyện Vĩnh Châu. Chính xác hơn là dọc theo tuyến đê biển vùng đồng muối. Càng Còng Gió tươi có thể nấu riêu ăn rất ngon, tôi đã thử và thấy rằng -ngọt, thơm và sánh hơn cua đồng. Còn không thì vào cỡ 1-2 giờ chiều, càng Còng gió đã được luộc chín, ăn theo kiểu nhấm như hạt Hướng Dương cũng vẫn thú vị bởi lẽ: tuy to cở ngón chân cái, nhưng vỏ nó mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển.
Mỗi chú Còng gió có hai càng, nhưng chỉ có những con đực thì sở hữu một cái càng "cái" bự xự cỡ ngón chân cái. Cái càng này chỉ để hù dọa và "lấy le" với đồng loại nhất là mấy "ả Còng" là chính chứ khi gặp con người và tiếng động lớn thì chúng bỏ chạy "trối chết" và rất nhanh..chui xuống những hang nhỏ, ngóc ngách trên bãi biển mà nếu như bạn có chủ đích kiếm càng Còng Gió để nhấm nháp thì thật sự là hơi bị hiếm. Vậy tại sao người dân nơi đây có thể bán cho bạn cả "lon sữa bò" với giá chỉ 1.000 đồng!? Bí quyết là cách thu hoạch "càng".
Để chuẩn bị cho một chuyến đi, bạn cần chuẩn bị:
- Vài kg thính, được chế bằng cám rang.
- Thịt cá để hơi ươn hoặc tôm tép trộn chung với nhau cho dậy mùi.
- Vài cây chổi Chà Tre thật lùm sùm nhưng dẻo và không quá cứng. Mục đích nhằm không cho Còng chết.
Buổi sáng khi biển chuẩn bị ròng (nước xuống) khoảng 3-4 giờ sáng, bạn chọn bãi cát ven biển mà mình đã chọn, rải thính và nhẹ nhàng đi sang một bãi cát khác để làm công việc tương tự. Sau đó mình quay lại lại bãi biển đã rải thính đầu tiên và theo dõi bằng ngọn đèn pin nhỏ. Lũ Còng bắt mùi thơm của thính sẽ mò ra bãi ăn mồi. Theo dõi, khi thấy chúng đã ra nhiều, những người "thu hoạch" sẽ .. 1-2-3 nhào ra với chổi Chà Tre và quét lũ Còng trên bãi. Cứ quét qua, quét lại với mục đích cho lũ còng lăn nghiêng, lăn ngửa. Bọn Còng Gió có một thuộc tính là hễ bị động và nguy hiểm thì sẽ "buông càng" để "bỏ của chạy lấy Còng cho lẹ". Mà cái càng "đực" là thứ bị bỏ lại trước tiên. Sau trận "quét", những người đi thu càng chỉ cần quét gom trên bãi để thu sản phẩm. Nhằm lúc "trúng" thì phải đựng bằng thúng mới vừa. Cách thu hoạch này hay ở chỗ là bọn Còng Gió không chết mà chỉ "bỏ càng", vài bữa sẽ mọc lại để chuẩn bị cho đợt thu hoạch sau.
Nào! Bạn đã chuẩn bị món "riêu Còng Gió" ngon đáo để chưa!?

                                                                                                                     Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét