Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Gỏi gà chặt Nam Bộ

Vào khoảng tháng 9, tháng 10, ở miền Bắc lượng gà nuôi trong các hộ dân được bán ra rất nhiều, giá mua tận gốc khá rẻ, chỉ từ 40.000 đồng-50.000 đồng/kg.
Trong những tháng này, món gà xuất hiện nhiều hơn trong thực đơn các bữa ăn với vô vàn cách chế biến khác nhau, trong đó món gỏi gà nghe có phần hấp dẫn hơn cả.
Gỏi gà chặt Nam Bộ  
                         Gỏi gà chặt Nam Bộ
Trên đường Vạn Kiếp (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), có một quán gỏi gà chặt khá nổi tiếng. Quán hấp dẫn thực khách bởi câu slogan "gỏi gà Bắc theo phong cách Nam". Chị chủ quán cho biết tất cả gà đều được mua từ các tỉnh phía Bắc. Theo chị, các giống gà nuôi ở miền Bắc thịt đậm đà, giòn và ngọt hơn. Còn làm theo "phong cách Nam" thì tùy thuộc kiểu nêm gia vị, cũng như cách luộc sao cho vừa lòng thực khách đất Sài thành.
Nói thế có vẻ to tát, nhưng thực tế, riêng cái vị ngọt của gà miền Bắc ăn với muối tiêu ớt chanh cũng đủ "sướng tê cõi lòng" rồi. Quan trọng nhất là khâu luộc gà, phải canh sao cho luộc vừa chín tới, vớt ra nhúng vào nước sôi để nguội cho giòn. Khi chặt miếng gà, xương gà bên trong còn hơi đỏ, thịt mềm. Phần gỏi ở đây chính là các loại rau được trộn cùng với nhau, bao gồm cải bắp, hành tây, bắp sen non, rau răm…, nổi bật với vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay rất đặc trưng. Đặc biệt, món gỏi gà chặt muốn ngon phải kèm theo một bát nước chấm pha cực khéo, sao cho hài hòa đủ vị chua-cay-mặn-ngọt.
Gỏi gà chặt Nam Bộ  
                            Gỏi gà chặt Nam Bộ
Món này dễ làm nên bất cứ ai cũng có thể tự tay chế biến. Giá gà sống mua tại các chợ hiện nay từ 50.000-60.000 đồng/kg, gà làm sẵn từ 75.000-80.000 đồng/kg.
Còn nếu muốn ăn tại quán thì có thể tìm đến quán gỏi gà Nam Bộ ở đường Vạn Kiếp. Một đĩa gỏi 2 người ăn chỉ khoảng 50.000- 60.000 đồng, ngoài ra chủ quán còn "vừa bán vừa cho" thêm bộ lòng, mề, trứng với giá khá rẻ: 10.000-15.000 đồng/đĩa.

                                                                                                                       Nguồn: huongviquenha.blogspot.com 

Lươn nấu với trứng kiến

Không nấu lươn như cách người đồng bằng vẫn làm, vùng Đồng Tháp Mười đem con lươn nấu  trứng kiến tạo nên một món ngon lạ, mang đến cảm giác thú vị cho người thưởng thức.
Lươn nấu trứng kiến Đồng Tháp Mười  
                                 Lươn nấu trứng kiến Đồng Tháp Mười
Lươn đồng vào mùa con nào cũng mập tròn, da căng bóng mẩy. Người đồng bằng chế biến lươn với đủ cách và đã đem lại tiếng tăm cho món um, lươn xào lăn, dồi lươn, lươn nướng nồi đất, lẩu lươn… Món nào cũng làm tốn cơm của mấy bà nội trợ, hao rượu của dân chai lọ. Thế nhưng, ở vùng Đồng Tháp Mười, còn một món lạ đó là canh chua lươn trứng kiến.
Nói về món ăn này, người ta thêu dệt rằng trước đây, cứ vào mùa lũ, lươn cá đầy đồng, chất đạm không thiếu nhưng rau cỏ ngày càng hiếm. Nấu canh chua lươn có vài cọng rau muống đã quý rồi, tìm được ít lá me non dằn cho nồi canh chua ra nét nhưng vẫn còn thiếu. Trong khi loay hoay tìm thêm chất chua bổ sung thì mấy tổ kiến vàng trên mấy cây xoài, gốc mận trong vườn bày ra trước mắt gợi ý cho một món ăn mới ra đời.
Tìm tổ kiến để nấu canh chua phải chú ý, tổ kiến sau khi kết xong sẽ có lớp màng trắng liên kết các lá với nhau, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì bên trong tổ kiến chúa đã đẻ được khá nhiều trứng rồi. Lá cây làm tổ còn tươi mới xanh đậm, lúc này trứng kiến còn mới mọng sữa căng tròn, như vậy trứng mới ngon không lẫn nhiều kiến con đã nở. Mỗi nồi canh chua lươn bốn người ăn dùng hai tổ kiến vàng là dư dả. Tổ trứng kiến vừa thọc mang về để chỗ nắng, kiến không ưa nắng nên trong chốc lát chạy biến chỉ còn để lại đám trứng nhỏ như hạt gạo trắng ngà.
Lươn nấu trứng kiến Đồng Tháp Mười  
                                       Lươn nấu trứng kiến Đồng Tháp Mười
Lươn lựa con cỡ nửa cườm tay làm sạch. Đợi nước sôi cho nguyên con vào nồi nấu vài dạo, trút rau muống vào, thêm lá me non, nêm mắm muối cho vừa ăn, bắc nồi khỏi bếp. Lựa đám trứng kiến bị giập, bóp nát cho ra sữa rồi cho vào nồi cùng lúc với đám trứng nguyên. Gặp nóng, từng cái trứng se mặt rồi căng phồng lên, nước canh hơi đục màu trắng của sữa từ trứng kiến được bóp nát cũng bắt đầu dậy mùi. Múc muỗng canh nóng hổi có nhúm trứng kiến húp từ từ, những cái trứng nhỏ xíu như hạt gạo lạo xạo trong lưỡi thật thú vị. Trứng vỡ lụp bụp mùi thơm, vị béo bùi, vị chua hăng của trứng kiến hoà với vị chua của lá me non, vị ngọt thịt lươn làm thành một hương vị độc đáo, hoang sơ dân dã, mà vẫn thanh nhã nhẹ nhàng.
Ăn canh chua lươn trứng kiến phải thong dong thì mới thấy hết hương vị của món ăn, mới thấy sự tài tình khéo léo của người xưa biết tận dụng những gì mà thiên nhiên ban tặng. 

                                                                                                                         Nguồn: huongviquenha.blogspot.com 
                             

Món cò quê

Con cò ốm nhom nhìn thương quá chừng!!! Cuộc sống có nhiều món rất hấp dẫn. Mong mọi người hãy thưởng thức những món khác chứ đừng thử món cò quê này nhé!!!
Vào khoảng tháng 3 và tháng 8 Âm lịch, khi những cánh đồng lúa quê tôi trổ đòng, bát ngát một màu xanh thì cũng là mùa cò về. Vào những ngày giáp hạt, khan hiếm thức ăn, người quê tôi thường bẫy cò để chế biến thành những món ăn ngon.
Cò thường đi theo đàn, nên những người bẫy cò cũng phải có chiêu dụ cò riêng. Thường người ta phải ngồi trong lùm tre được kết lại thành mái vòm uốn cong, gọi là vòng cò. Vòng cò càng kín bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, để cò không phát hiện ra người. Có những vòng cò từ mùa cò này sang mùa cò khác, tre mọc kín mít, ngồi trong đó gặp hôm trời mưa thậm chí chẳng ướt người.
Món cò quê  
                              Món cò quê
Bẫy cò chỉ cần mồi nhử là những con cò còn sống, được nuôi từ vụ trước, buộc chân lại, cho đậu trên vòng cò. Người bẫy khi nhìn lên trời thấy cò về thì giật dây thật mạnh để cò kêu lên và vỗ cánh bay. Quanh khu vực gần vòng cò còn có thêm những con cò làm bằng gỗ. Xen giữa cò gỗ là những thẻ tre được phết đầy nhựa cây, để khi cò sà xuống, bị dính, sẽ không bay lên được nữa. Cò đang bay nghe tiếng kêu, từ trên cao trông xuống tưởng có đàn cò thật đang đậu trên đồng, nên thi nhau sà xuống và dính bẫy.
Làm cò cũng phải biết cách thịt mới không bị tanh. Vặt lông cò thật sạch, sau đó thui cò trên ngọn lửa rơm mới sạch hết những lông tơ còn sót lại, thịt cò cũng sẽ thơm ngon hơn.
Món cò quê  
                               Món cò quê
Thui cò xong, dùng một tấm giẻ khô lau sạch thân cò, tuyệt đối không được dùng nước, nếu đụng nước, thịt cò sẽ rất tanh. Mổ bụng, bỏ hết nội tạng, chỉ giữ lại phần tim gan, dạ dày và mỡ. Dùng dao lọc tách lấy hai khối thịt bên ức cò, róc cánh lấy nạc, thái nhỏ. Phần xương thì bằm thật nhỏ. Gia vị để nấu thịt cò không thể thiếu là gừng, lá lốt, mẻ, mắm tôm, bánh tráng vừng. Thịt cò phải được ướp với mẻ, gừng, hành, lá lốt bằm nhỏ, để khoảng 30 phút cho thấm gia vị. Bánh tráng bẻ miếng vừa ăn, nhúng qua nước lạnh cho mềm, vớt ra để ráo nước.
Phi thơm hành với mỡ cò, cho thịt vào xào trước, thịt săn lại thì cho phần xương vào xào tiếp, nêm chút nước mắm, bột ngọt cho vừa miệng. Khi thịt chín, trút ra đĩa để riêng. Phi thơm hành, cho bánh tráng vào xào, thấy bánh tráng đổi màu từ trắng đục sang trắng trong là bánh đã chín, trút thịt cò vào xào tiếp, sau đó mới cho mắm tôm vào. Cuối cùng là rắc thêm chút lá lốt cho thơm.
Múc thịt cò ra dĩa, ăn khi còn nóng. Mùi thơm của lá lốt gừng, vị chua của mẻ, vị dai của bánh, vị béo của thịt cò, nồng của mắm tôm… tất cả hòa quyện vào nhau làm nên một vị ngon chẳng thể lẫn vào đâu được. 

                                                                                                                 Nguồn: huongviquenha.blogspot.com 

Thòi lòi biển

Cá thòi lòi biển "đẹp" hơn cá sấu một chút, có biệt danh là "Tào Tháo". Tuy nhiên thịt nó ngọt, bùi bất ngờ.
Cá thòi lòi có khả năng lặn lâu, phóng như bay trên mặt nước và trèogiỏi. Theo tự điển Wikipedia, cá thòi lòi có tên khoa học làPeriophthalmodon schlosseri, thuộc họ cá bống trắng (Gobiidae), đượctìm thấy tại các khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở Úc,Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines,Seychelles, Thái Lan và Việt Nam.
Đa Nghi
Thòi lòi biển  
                                                    Thòi lòi biển
Với dân phố thị, con thòi lòi còn quá xa lạ và mới nhìn hơi... ớn cảm. Bởi hai con mắt nó lồi gần hẳn ra ngoài như đèn xe hơi đời cũ. Nhờ vậy nó có khả năng quan sát tứ bề. Ngay cả khi lội thong thả dưới nước,nó luôn ngóc đầu lên và thường xuyên đảo mắt quan sát, nghe động là nólủi trốn mất dạng. Do vậy nó còn có biệt danh là "Tào Tháo".
Riêng ở nước ta, dựa vào môi trường sống, tạm chia thòi lòi thành hai loại: ở biển và sông, rạch. Loại ở biển, cỡ cá lớn nhất gần bằng cổ tay người lớn, thịt ngon đến độ "quên mời… em vợ"! Loại này sống theo các vùng nước lợ và mặn như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau... Cá biệt, một số người dân vùng Nhơn Trạch, Đồng Nai gọi thòi lòi biển bằng một tên dễ mến khác là bống thùng. Song người viết vẫn chưa tìm ra lý giải hợp lý về tên phát sinh này.
Đặc biệt, giống thòi lòi biển rất hung dữ. Nếu được nhốt chung,chúng sẽ cắn lộn đến te tua tơi tả. Do vậy, những chủ vựa phải may miệng chúng lại hoặc làm mù mắt để giúp chúng giữ nguyên "vóc ngọc". Và chúng có thể nhịn đói bốn, năm ngày vẫn tươi tỉnh. Chưa hết, chúng rất mạnh mẽ. Có chuyện một số cô gái phố thị về Cần Giờ, TP.HCM làm dâu.Buổi đầu các cô không dám làm thịt con cá xấu xí này. Nhưng khi các cô bạo gan làm cá xong, nó vẫn còn có thể gây sửng sốt. Cụ thể, khi các cô mang thân cá ra cầu ao rửa. Cá liền vùng mạnh, vuột khỏi tay người rửa, bơi lúc lắc xuống tận đáy ao sâu.
Được biết, cách bắt cá thòi lòi hiệu quả và thông dụng là đặt "chà di". Trước người ta dùng lá dừa nước kết lại thành "chà di", nay học hế lại dụng cụ này bằng chai nhựa. Dụng cụ này được cấu tạo tựa như cái lợp, khiến cá vào được nhưng không thoát được. Đầu tiên người đibẫy cá sẽ đuổi cá vào hang hoặc đoán biết cá đang ở hang, trong những lùm gai dại như ô rô hay những hốc, kẹt rễ cây đước, mắm... Kế đến, họém chặt các hang phụ (ngách) bằng đất cứng, rồi chụp "chà di" lên miệng hang chính và ém chặt bằng đất dẻo. Đợi khi nước lớn "bò" vào, cá bị ngộp thở sẽ phóng mạnh vào rọ. Riêng đám thòi lòi ở sông, rạch chỉ lớn bằng ngón tay trỏ người lớn, thường sống ở những vùng nước ngọt như vùng Q.7, Bình Triệu, TP.HCM hay ở Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ… Đám cá này rất tanh, có khi gà vịt còn chê.
Chỉ có nhóm thòi lòi sông còn nhiều tiềm ẩn thú vị. Tiếc thay, đến nay đạo diễn những chương trình ẩm thực khẩn hoang "hoành tráng" ở TP.HCM vẫn chưa cảm được điều này.
Ngon quên mời...
Thòi lòi biển  
                                       Thòi lòi biển
Hơn bảy năm trước, dân nghèo Gò Công và Cần Giờ dùng loại cá này chế ra món "thịt bò nhà nghèo": làm sạch, bỏ da rồi kho tiêu. Họ hâm lại ba,bốn lửa khứa cá sẽ ửng màu hổ phách. Cắn miếng cá, dân sành ăn phải líu lưỡi bởi độ ngọt, bùi, thơm cứ tranh nhau quyến rũ, nấn ná. Đặc biệt,thịt cá này để nguội vẫn không tanh. Do vậy, món này thường được ưu áidành cho bà đẻ. Bởi thịt nó "hiền", nhiều nạc, rẻ hơn cá lóc đồng. Và trong mâm cỗ cúng Thần Nông, sau mùa gặt, không ít bà nội trợ đảm đang xứ biển Gò Công bày thêm món thòi lòi kho tiêu, bên cạnh con cua, con lóc nướng trui.
Nay con thòi lòi biển thêm danh giá nhờ các món: nấu cháo Tiều,chiên hoặc nướng một nắng. Cha đẻ của món cháo Tiều thòi lòi là bếp trưởng nhà hàng Duyên Hải, gần bến xe buýt Cần Thạnh, Cần Giờ. Những dịp cuối tuần, không ít doanh nhân và văn nghệ sĩ lặn lội xuống đâythưởng lại món này. "Muỗng cháo ở đây được gia chế tài tình nên tôi nghe "phê" như bản nhạc hay", anh bạn văn sĩ ở TP.HCM bình. Thật vậy, những tinh chất của thịt cá "rỉa" nhỏ giao hòa cùng ít thịt nạc heo,tép bạc cũng bằm nhuyễn. Cháo nhừ mịn, bốc khói, thơm điếc mũi. Xen kẻvà kết nối là ít nấm tuyết giòn sừn sựt. Gặp mưa rừng bỡn cợt, cháo càng mau cạn nồi.
Và anh Nguyễn Hải từng làm chủ một quán ăn nhỏ xinh ở Q.Phú Nhuận,TP.HCM, còn chế ra món thòi lòi biển một nắng. Cách chế món này như sau: cá tươi mang làm sạch, để ráo, ướp ít sả tươi bằm, ớt giã, muối,bột ngọt, đợi ngấm khoảng hai tiếng, phơi nắng gắt khoảng ba, bốn tiếng. Từ dạng cá "dốt dốt" này, đầu bếp đem chiên hoặc nướng thì cung bậc hương vị món ngon đã khác nhau. Tựu chung, dân sành điệu kết luậnrằng những món này còn ngon hơn cá lóc đồng một nắng.
Nếu có dịp nghỉ đêm trong Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM, có thể bạn sẽ được nghe thòi lòi biển hát gọi bạn tình, vào mùa mưa. Tiếng hát nghe "èo... ẹo" ngân vang, thúcgiục, hồ hởi… như tiếng mời gọi "bắt cặp" của đám nhái đồng mùa sa mưa.Và đấy cũng là điệu nhạc hồi sinh của giống sinh vật lưỡng cư xấu xí này, "nhờ ơn" Khu dự trữ sinh quyển thế giới! Bởi ngoài khu này, họ hàng chúng thường bị dân địa phương đuổi bắt "từ lớn đến nhỏ".
Cũng tại nhà hàng trong khu du lịch vừa kể có hai món đặc sản từ thòi lòi biển: nướng trui và trộn gỏi lìm kìm. Dây lìm kìm mọc hoang dại rất nhiều ở rừng Cần Giờ. Mùa mưa lá lìm kìm xanh non, tựa lá sâm nhưng nhỏ hơn. Vị lá này chua chua, chát chát, mằn mặn, dường như có "duyên nợ" với thịt thòi lòi biển tự ngàn xưa. Gấp một miếng thịt cá này, cặp thêm vài miếng lá lìm kìm nhai chậm, bạn sẽ nghe từng cung bậc hương vị lâng lâng hòa quyện. Không khí rừng thật trong lành, có tiếngchim bìm bịp vang vang giục con nước.
Một số bà nội trợ đảm đang vùng Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Naithường đãi khách quý món bống thùng hấp bia, cuốn bánh tráng rau sống.Hay có dịp thẳng về Đất Mũi, bạn nên dùng thử miếng khô thòi lòi nướng mặn mòi, rồi hớp ly trà "quạo" (đậm), góp chuyện tiếu lâm. Có người đồn  rằng, thòi lòi là chắt, chít của khủng long, em ghẻ cá sấu.

                                                                                                                      Nguồn: huongviquenha.blogspot.com 
     

Món càng còng gió

Lời bạt: "Thực sự thì bài viết này không chủ đích giới thiệu đến món ăn đặc sản của Sóc Trăng dù đây cũng là một món ăn khá thú vị ! Nhưng đã lỡ hứa với những người bạn trẻ mà tôi rất phục vì nhiều lẽ nên đành phải kể ra cho trọn".
Tuyến rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Sóc Trăng hiện đang phát triển tốt dọc theo tuyến ven biển huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đã có trên 1.700ha/5.300 ha rừng phòng hộ ven biển đã được ngành lâm nghiệp ký hợp đồng với các hộ dân để khoanh trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích trên chủ yếu tập trung trong vùng dự án Bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển do Ngân hàng thế giới và tổ chức Danida (Đan Mạch) hỗ trợ (tính đến cuối năm 2003).
Trước mắt, có thể thấy:
1. Chính những mảng rừng Đước, Mắm của tuyến rừng phòng hộ là một tác nhân chính để các loại thủy sản sinh sôi ngày càng nhiều. Cá Kèo con xuất hiện nhiều trong khoảng từ năm 2000 đến nay, khi tuyến rừng phòng hộ ven biển huyện Vĩnh Châu, dài trên 20km phát triển mạnh và bãi bồi.
2. Chính bùn lấn rộng ra biển với mức từ 20 đến trên 50m mỗi năm là nơi sinh sản và phát triển lý tưởng cho cá kèo con, cua con và nhiều loài thủy sản mặn, lợ khác. Riêng với Cua biển con, bắt đầu từ tháng 9 sẽ xuất hiện rộ đến tháng 4 năm sau. Tính ra người ven biển Vĩnh Châu có việc làm quanh năm từ nghề khai thác thủy sản làm giống tự nhiên và nguồn lợi này đang mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân nghèo nơi đây. Nhưng thực ra, đặc sản "món Càng Còng gió" mới là chủ đích của người viết gửi đến những người bạn với hy vọng họ sẽ có dịp được thưởng thức, nhấm nháp...dù tôi biết rằng cách ăn của họ không giống như tôi !
Còng gió  
                                 Còng gió
Nếu đi sớm dọc theo biển Vĩnh Châu, tập trung ở khu vực biển Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, thuộc huyện Vĩnh Châu. Chính xác hơn là dọc theo tuyến đê biển vùng đồng muối. Càng Còng Gió tươi có thể nấu riêu ăn rất ngon, tôi đã thử và thấy rằng -ngọt, thơm và sánh hơn cua đồng. Còn không thì vào cỡ 1-2 giờ chiều, càng Còng gió đã được luộc chín, ăn theo kiểu nhấm như hạt Hướng Dương cũng vẫn thú vị bởi lẽ: tuy to cở ngón chân cái, nhưng vỏ nó mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển.
Mỗi chú Còng gió có hai càng, nhưng chỉ có những con đực thì sở hữu một cái càng "cái" bự xự cỡ ngón chân cái. Cái càng này chỉ để hù dọa và "lấy le" với đồng loại nhất là mấy "ả Còng" là chính chứ khi gặp con người và tiếng động lớn thì chúng bỏ chạy "trối chết" và rất nhanh..chui xuống những hang nhỏ, ngóc ngách trên bãi biển mà nếu như bạn có chủ đích kiếm càng Còng Gió để nhấm nháp thì thật sự là hơi bị hiếm. Vậy tại sao người dân nơi đây có thể bán cho bạn cả "lon sữa bò" với giá chỉ 1.000 đồng!? Bí quyết là cách thu hoạch "càng".
Để chuẩn bị cho một chuyến đi, bạn cần chuẩn bị:
- Vài kg thính, được chế bằng cám rang.
- Thịt cá để hơi ươn hoặc tôm tép trộn chung với nhau cho dậy mùi.
- Vài cây chổi Chà Tre thật lùm sùm nhưng dẻo và không quá cứng. Mục đích nhằm không cho Còng chết.
Buổi sáng khi biển chuẩn bị ròng (nước xuống) khoảng 3-4 giờ sáng, bạn chọn bãi cát ven biển mà mình đã chọn, rải thính và nhẹ nhàng đi sang một bãi cát khác để làm công việc tương tự. Sau đó mình quay lại lại bãi biển đã rải thính đầu tiên và theo dõi bằng ngọn đèn pin nhỏ. Lũ Còng bắt mùi thơm của thính sẽ mò ra bãi ăn mồi. Theo dõi, khi thấy chúng đã ra nhiều, những người "thu hoạch" sẽ .. 1-2-3 nhào ra với chổi Chà Tre và quét lũ Còng trên bãi. Cứ quét qua, quét lại với mục đích cho lũ còng lăn nghiêng, lăn ngửa. Bọn Còng Gió có một thuộc tính là hễ bị động và nguy hiểm thì sẽ "buông càng" để "bỏ của chạy lấy Còng cho lẹ". Mà cái càng "đực" là thứ bị bỏ lại trước tiên. Sau trận "quét", những người đi thu càng chỉ cần quét gom trên bãi để thu sản phẩm. Nhằm lúc "trúng" thì phải đựng bằng thúng mới vừa. Cách thu hoạch này hay ở chỗ là bọn Còng Gió không chết mà chỉ "bỏ càng", vài bữa sẽ mọc lại để chuẩn bị cho đợt thu hoạch sau.
Nào! Bạn đã chuẩn bị món "riêu Còng Gió" ngon đáo để chưa!?

                                                                                                                     Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Cá kho bần

Gần đây ở Cần Thơ, trái bần đã bắt đầu được chú ý và đã trở thành một loại thực phẩm có khẩu vị đặc biệt để chế biến những món ăn ngon và lạ miệng, làm hấp dẫn thêm ẩm thực vốn đã rất phong phú ở đất Tây đô. Và một món ăn chế biến từ trái bần được ưa thích nhất là cá kho bần , với vị chua mặn hòa quyện.
Bần vốn là một loại trái cây mọc tự nhiên ven sông rạch hoặc mọc tập trung ở một vài cồn, đồi đất thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trái bần chua và có vị hơi chát trước đây chỉ được trẻ con ưa thích khi hái chấm với muối và thưởng thức vị chua thanh thanh của nó.
Cá kho bần  
                                               Cá kho bần
Cá được chọn để kho với bần thường là cá lóc hoặc cá bông lau, nhưng cá bông lau ngon hơn vì thịt nhiều và béo ngọt hơn nên được chuộng hơn.
Cắt từng lát cá dày vừa ăn, ướp với muối tiêu bột ngọt, đường, hành tỏi, nước mắm... một lúc cho thấm rồi bắt lên bếp lửa để riu riu cho gia vị thấm vào cá.
Trái bần  
                                                          Trái bần

Các loại rau  
                                             Các loại rau
Trái bần chín, bỏ vỏ rồi dầm với ít nước ấm, lượt bỏ hạt, lấy nước cốt pha hơi loãng tùy theo sở thích, rưới vào nồi cá kho, tiếp tục để lửa riu riu. Thêm ít nấm rơm, cà chua, hành lá cắt khúc lên mặt trên của nồi cá kho để món ăn thêm màu sắc và hương vị.
Cá kho bần múc ra tô, dọn lên bàn ăn nóng với cơm trắng gạo dẻo thơm, thêm một đĩa rau sống ăn kèm gồm bắp chuối xắt, rau muống bào sợi, húng cây, diếp cá, rau đắng... món ăn sẽ càng nhiều hương vị hơn. Vị chua thanh thanh của bần sẽ thấm vào vị ngọt béo của cá, làm món càng thêm đậm đà, thơm ngon, hấp dẫn.
Thưởng thức cá kho bần khi đến với Cần Thơ, sẽ làm chuyến đi của bạn thêm nhiều hương vị và đậm đà, nhớ mãi.

                                                                                                                               Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Rạm đồng quê

Không khác cua cáy là mấy nhưng con rạm và những món ăn từ rạm thì lại rất ít người biết đến. Con rạm sống ở vùng nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển. Đến mùa rạm đi kiếm ăn và tìm bạn tình, từng đàn rạm bám lấy nhau nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Người đi bắt rạm chỉ cần chiếc đèn, cây vợt là có thể bắt được những con rạm tươi rói.
Rạm đồng quê 
                                     Rạm đồng quê
Con rạm giống như con cua đồng nhưng lớn hơn, đôi càng và các chân khỏe hơn, chiếc mai bẻ và xù sì chứ không bóng láng như mai cua. Cái béo của con rạm chính là trứng rạm, khi nấu chín, trứng rạm đóng thành miếng đỏ au, chắc nịch, béo hơn gạch.
Rạm đồng quê  
                                             Rạm đồng quê
Rạm đem về có thể nấu thành rất nhiều món ăn, từ nấu canh, rang và rim mặn, rạm còn có thể chế biến thành những món nhậu hấp dẫn như rạm chiên giòn, rạm nướng muối... Ngon nhất có thể kể đến món canh rạm nấu rau đay, vừa thơm ngon vừa giải nhiệt. Rạm để nấu canh có thể tận dụng chân giã nhuyễn nấu xanh, phần mình sau khi chế biến có thể ăn cả mai vừa ngon mà lại giàu canxi. Canh rạm có nhiều gạch càng ngon nước canh càng ngọt. Gia vị cho món rạm rim thật đơn giản chỉ là vài lá chanh thái chỉ, thêm vài củ sả, ớt tươi, nước mắm, tiêu, nghệ là món ăn độc đáo cà hấp dẫn những con rạm vàng rộm, ăn vừa giòn vừa béo. Ngoài ra, rạm còn đem rửa sạch cho nguyên con vào cối giã nhỏ sau đó lọc lấy nước rạm, bỏ muối vào cho mặn rồi cho vào chum vại để ăn dần. Ăn mắm rạm cách này gọi là ăn chua.
Mùa rạm rộ nhất là cuối vụ gặt, khi nước bắt đầu lấp xấp, bắt đầu vụ cày. Khi nước sông lớn đổ về đồng, phục vụ cho một vụ cày cấy mới cũng là lúc rạm theo con nước trôi dạt về sông nhỏ rất nhiều. Những con rạm chắc nịch, tươi rói chính là món ăn đổi bữa cho những gia đình trong ngày mùa màng bận rộn. 

                                                                                                                         Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Mắm còng lột

Những ngày mưa dầm trời se lạnh, có đĩa mắm còng lột chính hiệu Gò Công và chai rượu thuốc nhâm nhi cùng bạn bè thì không còn gì bằng.
Bữa tiệc mắm còng lột cũng chẳng quá cầu kỳ. Đĩa mắm còng lột trắng muốt, bên trên rắc những sợi ớt đỏ tươi, xung quanh xếp mấy miếng khóm chín rim đường vàng ươm, phía dưới lót dưa leo xắt khoanh cùng cải xà lách xanh non mát mắt.
Quanh đĩa mắm là bún, thịt ba rọi, lòng heo luộc, xoài sống để nguyên vỏ xắt miếng, rau thơm các loại và có hẳn một đĩa còng chưa lột rang me. Nhập tiệc, gắp một con còng lột kèm với khóm, dưa, rau, bún, thịt luộc đưa vào miệng, vị ngọt, chua cay thấm vào chân răng, lan khắp các gai vị giác của lưỡi.
Đặc sản danh bất hư truyền
Ông Cao Văn Hổ, chủ lò mắm tôm chà Kim Sa, ở phường 2, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) nói mắm còng lột của xứ biển Gò Công không phải thèm là có ăn.
Độc đáo mắm còng lột  
                                     Độc đáo mắm còng lột
Cùng với mắm tôm chà, mắm còng lột là đặc sản danh bất hư truyền do ông bà ngày xưa để lại cho con cháu xứ biển nghèo khó. Nhưng, mắm tôm chà có thể làm quanh năm vì tôm bạc đất nhiều vô kể, muốn thưởng thức lúc nào cũng được. Còn mắm còng lột, mỗi năm chỉ có một mùa, kéo dài hai, ba tháng là hết.
Bà Năm Sa, một trong những người lớn tuổi còn giữ nghề làm mắm đặc sản từ con tôm, con còng của xứ Gò Công, kể rằng lúc còn nhỏ xíu, con còng ở đất rẫy Gò Công nhiều vô kể. Hồi ấy bà cố, bà sơ của bà làm mắm còng lột chỉ để ăn trong gia đình hoặc làm quà cho sui gia, khách quý chứ không bán.
Đám tiệc trong xóm, nhà nào được nể trọng lắm người dự đám mới mang đến một hũ sành mắm còng lột. Hàng năm, đúng vào ngày tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, ở cù lao Phú Đông nằm giữa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, không biết từ đâu còng kéo nhau về từng bầy, nằm lớp lớp ở các ao nước cạn để lột vỏ. Người ta nói đó là "ngày hội còng lột".
Bà Năm Sa nhớ rằng, vào "ngày hội còng lột", dân cù lao Phú Đông hoặc thị trấn Tăng Hòa, thị xã Gò Công và nhiều địa phương khác đều đổ xô mang ghe đến bắt còng về làm mắm.
Con còng lột mang về rửa sạch, moi bỏ yếm và ruột, để cho ráo nước rồi xếp vào hũ sành.
Sau đó đâm tỏi, ớt lấy nước, trộn với nước mắm nhĩ nấu sôi, để thật nguội mới châm vô những hũ còng lột trắng phau, rồi xếp vào chỗ mát. Mười lăm ngày sau con còng lột chín đều thành mắm. Nhưng không giống các loại mắm khác, mắm còng lột chỉ có thể giữ được tối đa 3 tháng, nên sau tháng 7 âm lịch, xứ Gò Công cũng hết mắm còng, muốn ăn phải chờ "ngày hội còng lột" năm sau.
Về sau, hàng năm "ngày hội còng lột" vẫn còn xuất hiện trên cù lao Phú Đông nhưng còng càng ngày càng ít.
Mắm còng lột trái mùa
Năn nỉ mãi bà Năm Sa mới chịu bật mí xuất xứ của hũ mắm còng lột trái mùa. Số là vài năm gần đây, nhiều Việt kiều gốc Gò Công mỗi khi về thăm quê đều nằng nặc tìm ăn cho bằng được đặc sản mắm còng lột quê nhà.
Con "còng hội" không còn, mắm còng lột càng quý hiếm. Vậy là những người còn nhớ nghề làm mắm còng lột ở Gò Công nghĩ ra cách thức: cho người qua Cần Giờ (TP.HCM) lùng mua còng sống, sau đó pha vôi Càng Long với nước rồi đổ vào ngâm còng. Sau 24 giờ, con còng lột vỏ, người ta lấy con còng lột "nhân tạo" đó để làm mắm, để thỏa nỗi nhớ quê hương của các Việt kiều. Thế nên giờ đây mắm còng lột gần như có quanh năm.
Nếu nhìn kỹ, con mắm còng lột hiện nay không có hai càng và tám chân, chỉ có trơ trơ cái thân mình. Lý do là con còng lột bằng nước vôi Càng Long chỉ lột được mình, càng và chân mà không lột được vỏ cứng nên phải bỏ. Ngày xưa con còng lột vào ngày hội mùng 5 tháng 5, làm mắm xong xếp ra đĩa càng, chân vẫn còn đầy đủ chớ đâu có trụi lủi như bây giờ..., bà Năm Sa bùi ngùi nhớ lại. 

                                                                                                                              Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bánh phồng cá linh

Năm nào cũng vậy, khi ngọn gió chướng thổi về, đàn cá linh làm cuộc "di cư" theo con nước đỏ từ Biển Hồ, Campuchia đổ về miền Tây. Căn cứ vào các con nước kém từ mùng 7 đến mùng 10 và từ 20 đến 25 âm lịch, bà con địa phương thường mua lú, lưới mịn về giăng bắt cá linh. Gặp con nước trúng thường họ bắt được mỗi lần vài chục ký.
Bánh phồng cá linh 
                                        Bánh phồng cá linh
Sẵn có cá linh , món ăn dân dã trời cho, bà con làm  bánh phồng cá linh để biếu hoặc đãi khách.
Những con cá bụ bẫm, thân thể đẫy đà còn tươi roi rói được cắt đầu, cắt đuôi, bỏ ruột rửa sạch để ráo nước. Cho cá vào cối quết nhuyễn, cứ ½ ký thịt cá thì 6 lòng trắng trứng vịt (không dùng lòng đỏ), ½ ký bột mì ngang, nêm các loại gia vị tiêu sọ, tỏi, hành, bột ngọt, nước mắm, muối tất cả trộn đều. Sau đó, dùng lá gói kín như bánh tét, cho vào bọc ni-lon bịt kín. Đưa vào nồi hấp cách thủy chừng 1,5 - 2 giờ. Đem ra để nguội, dùng dao cắt từng lát mỏng phơi khô khoảng 4 – 5 nắng là được. Làm đúng, bạn chiên lên miếng bánh trắng hồng, giòn rụm vừa xốp vừa béo ngậy, vừa mằn mặn lại thơm mùi vị hải sản.
Cô Út Gái ở Tịnh Biên, An Giang chuyên làm bánh phồng cá linh tiết lộ: năm nào cá linh hiếm, có người dùng bột mì ngang nhiều hơn hoặc trộn thêm thịt cá cóc, nên bánh nướng ra không xốp, không nở. 

                                                                                                                               Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Chả giò cá lóc miền Tây

Với dân miền Tây Nam bộ, con cá lóc nướng trui, nấu canh chua, nấu cháo... quá đỗi bình thường. Để thay đổi khẩu vị cho khách phương xa, mấy anh hai lúa kỳ công chế biến ra món chả giò cá lóc.
Món chả giò cá lóc với bộ đầu, lòng, xương chiên giòn  
                                  Chả giò cá lóc miền Tây
Trời sa mưa là miền Tây bắt đầu mùa cá đồng. Nhưng hiện nay, với đà tàn sát nguồn lợi thuỷ sản không tiếc tay, kiếm được con cá lóc đồng nặng 500g đến cả ký lô là chuyện hiếm. Bắt được một con cá bự như vậy, mấy anh hai lúa miệt Tiền Giang, Đồng Tháp nói chỉ có hai cách ăn: nấu cháo với mồng tơi, mướp hương hoặc nấu canh chua me non với cà chua, giá, khóm, cù nèo, tai tượng, nõn lục bình, chứ nướng trui là thất sách vì khó chín tới bên trong ruột cá. Món chả giò cá lóc do nông dân sáng chế làm thì cực nhọc, nhưng ăn rồi khó quên.
Con cá lóc đồng sau khi làm sạch được để cho ráo nước, sau đó dùng dao thật bén lóc lấy hai miếng thịt philê xắt mỏng. Người nào chịu khó thì tỉ mẩn gỡ cho hết xương, nhưng mấy ông bạn nhậu nói không hề gì, xương cá xắt nhỏ như bằm, chiên lên giòn rụm. Miếng cá philê mỏng được nêm gia vị cho vừa ăn, sau đó trộn với nấm mèo, khoai môn xắt sợi, cuốn vào miếng bánh tráng loại không thấm dầu, rồi bỏ vào chảo chiên giòn. Con cá nặng chừng ký lô, phần thịt philê cuốn được 20 miếng chả giò là hết mức. Cho nên, phần đầu, đuôi, bộ đồ lòng và xương sống con cá được tận dụng tối đa, sau khi chiên xong mấy cuốn chả giò họ bỏ nguyên bộ vào chảo dầu chiên cho thật giòn, lại thêm một món mồi bén. Đầu, lòng và bộ xương cá lóc chiên giòn cho vào giữa chiếc dĩa to lót rau cải, xung quanh xếp mấy cuốn chả giò cá lóc, chấm với tương ớt hay nước mắm ngon pha tỏi ớt, chanh đường, ăn lạ miệng nhưng rất ghiền. Cũng có người, thay vì chiên giòn bộ đầu, xương cá, họ đem nấu cháo, vậy là một con cá lóc làm được hai món.
Gần đây, món chả giò cá lóc của mấy anh hai lúa bị "rò rỉ công thức chế biến" nên mất bản quyền, từ đồng ruộng nhảy tót vào các nhà hàng, quán ăn khiến  món cá lóc nướng trui , canh chua, cháo cá lóc bị lép vế. Không có đủ nguồn cá lóc đồng, các nhà hàng đành chọn giải pháp mua cá lóc nuôi đem về rộng trong hồ để phục vụ thực khách món chả giò cá lóc miền Tây . Tuy vậy, dân sành ăn vẫn không vừa ý, vì con cá lóc nuôi có rộng bao nhiêu lâu trong hồ thì thịt vẫn bở, không săn chắc, dai ngon như con cá sống ngoài đồng ruộng, ao mương.

                                                                                                                      Nguồn : huongviquenha.blogspot.com

Cá bống sao Cù Lao Dung

Cù Lao Dung là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh 3 nằm cuối cù lao, là nơi tiếp giáp biển Đông. Dọc theo bờ biển là cánh rừng bần phòng hộ khổng lồ dài khoảng 300 km. Tham quan rừng bần bằng xuồng khi thủy triều lên, bạn sẽ được chiêm ngắm nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Đặc biệt, bạn sẽ bắt gặp một vài lão nông dò dẫm thò tay vào bãi bùn ở những đoạn cát bồi bắt những chú cá nhỏ trong hang. Đó là cá bống sao - đặc sản xứ này.
Cá bống sao có đốm xanh, da lấm tấm những chấm trắng li ti như hàng vạn ngôi sao. Thịt cá bống sao màu đỏ, săn chắc hơn thịt cá lóc nên rất ngon. Người ta thường dùng cá kho tiêu hoặc kho khô, địa phương gọi là "kho chồn". Cá bống sao kho chồn ngon nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị nhân nhẩn đắng, bùi bùi của gan cá, cộng với mùi nồng hăng thơm ngát của rau cải vườn tạo nên dư vị khó quên. Cá bống sao kho sả ớt mới ngon, nhưng tuyệt vời hơn nếu được kho với mỡ heo và một chút nước cốt dừa, đun sánh lại. Để món ăn đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực Nam bộ, người ta làm sạch cá ướp với một số gia vị phù hợp để kho như đường, nước mắm, bột ngọt, nước màu... nhưng không thể không có gia vị chủ lực là sả ớt. Chính sả ớt mới là tác nhân đánh bạt mùi tanh đặc trưng của cá bống sao, song song với việc tạo hương vị dễ chịu khi thưởng thức món ăn.
Đặc sản cá Bống Sao Cù Lao Dung  
                   Đặc sản cá Bống Sao Cù Lao Dung
Người dân Cù Lao Dung rất hiếu khách. Đến đây, bạn sẽ được họ đãi món thòi lòi nướng trui. Cùng họ với cá bống sao, thòi lòi nướng trui được thực hiện bằng cách cho cá vào đống rơm, đốt lửa. Món này ăn kèm với bún, rau sống, chuối chát, chấm nước mắm chua giằm bần dĩa chín cây, nếu có thêm ly rượu đế sủi tăm thì... không gì để nói! Ăn đứt món cá lóc nướng trui lừng danh Nam bộ xưa nay. Chưa hết, lẩu mẻ cá bống sao cũng là đặc sản địa phương thu hút khẩu vị khách sành ăn. Cũng giống như vậy, nhưng "tuyệt chiêu" hơn, phù hợp “phong thổ” hơn là lẩu bần cá bống sao. Tháng 6, tháng 7 âm lịch là mùa bần chín rộ. Cùng dân địa phương lội vô rừng hái bần đã thú vị, càng thích hơn khi trở về nhà thưởng thức món lẩu bần cá bống sao. Gắp, cắn một nửa con cá, lặng nghe vị nhân nhẩn, bùi bùi của gan cá, cộng mùi cải trời trong tô canh trở thành một dư vị lạ lẫm, bắt “ngây”.
Đơn giản chỉ có vậy mà cá bống sao - con vật “hèn mọn” sống trong bãi bùn ven biển đã làm nên vài "kỳ tích" ẩm thực ngon lành, khách phương xa ghé qua được thưởng thức thòm thèm là lẽ đương nhiên. Nhưng người địa phương ăn "hà rầm" vẫn còn thấy thích mới là điều đáng nói. Chính vì vậy mà họ rất tự hào khi đãi khách các món ăn làm từ con cá nhỏ cỡ ngón chân cái này. 

                                                                                                                          Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Ốc đồng Nam Bộ

Bây giờ ở các thành phố lớn, món ốc đã trở thành đặc sản như: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng hay món ốc hấp thuốc bắc độc đáo ở Phủ Tây Hồ. Nhưng nếu bạn muốn ăn món ốc đích thực, xin mời hãy trở về quê. Những người nông dân thật thà chất phác lại là những người đầu bếp giỏi nhất cho món ốc đồng nam bộ này.
Người nông dân Việt Nam sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Xung quanh việc cấy trồng cây lúa đã tạo nên nhiều loại hình văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa ẩm thực mang phong vị Việt Nam. Người dân Việt Nam đã biết tận dụng môi trường tự nhiên để tạo ra cho mình nhiều món ăn đặc sắc, trong đó có món ốc đồng. Một món ăn không những giàu đạm, giàu chất bổ dưỡng, mà còn giàu hương vị quê hương ví như chùm khế ngọt, cánh cò bay.
Ốc đồng - Món ngon miền tây Nam Bộ 
                         Ốc đồng - Món ngon miền tây Nam Bộ
Có hàng chục loại ốc như ốc bươu, ốc mít, ốc đá, ốc vặn... sinh ra từ đồng ruộng quê nhà. Ốc luộc là món bình dân nhất. Ngon hơn cả là loại ốc mít, loại ốc có màu vàng óng và nhỏ hơn loại ốc bươu một chút. Thế nhưng nhiều người lại thích ngồi mút loại ốc đá và nhể những con ốc vặn. Thật thú vị khi những ngày gió heo may se se lạnh thổi về cùng với mưa bụi chuyển mùa được ngồi bên đĩa ốc nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Cái nóng của ốc, của gừng, của ớt quả làm cho người ăn xuýt xoa, cay chảy cả nước mắt mà vẫn thấy say mê. Chẳng thế mà những gánh ốc mút, những quầy ốc nhể, muôn thuở vẫn cuốn hút những cô con gái tuổi học trò.
Ốc nấu đậu phụ, chuối xanh và ốc xào khế là hai món ăn độc đáo của vùng đồng bằng Bắc bộ. Đây là những món ăn đơn giản, nấu nhanh và rất hợp với khẩu vị của người Việt.
Chọn ốc béo, ngâm nước gạo trước độ một ngày cho sạch (theo kinh nghiệm dân gian, người ta ăn ốc vào tuần trăng thì ốc sẽ béo và ngon hơn). Vớt ra cạy miệng khêu lấy ruột, xong bóp muối rửa sạch bằng nước nóng cho hết nhớt rồi đem ướp với ít mắm tôm, nước nghệ cùng với mẻ, ớt. Chuối xanh thì bóc vỏ, cắt khúc dài độ 3 phân chẻ tư ngâm nước lã có pha chút mẻ cho chuối khỏi thâm. Đậu phụ thì thái miếng con chì. Người ta xào ốc phi với hành tỏi riêng vì ốc rất nhanh chín, để lâu sẽ dai. Sau đó xào một ít thịt lợn ba chỉ cùng mắm muối với quả dọc cho vừa, chế nước sôi săm sắp đun 15 đến 20 phút rồi cho đậu phụ rán vào. Cuối cùng là ốc (nhớ bỏ ra ngay) và đừng quên tía tô trong món ăn này.
Ốc đồng - Món ngon miền tây Nam Bộ  
                          Ốc đồng - Món ngon miền tây Nam Bộ
Còn món ốc xào khế cũng chuẩn bị như món ốc nấu đậu phụ chuối xanh. Lấy thịt ốc một nửa băm nhỏ, một nửa thái tròn mỏng ướp với dấm bỗng, nước nghệ, mắm muối cho vừa chừng độ 15 phút cho ngấm. Đun mỡ cho già, phi hành rồi bỏ ốc vào, đảo nhanh, ốc vừa chín tới là bỏ ra ngay. Khế thì thái mỏng ngang quả, cho vào ít muối xóc đều để độ 10 phút cho bớt chua. Xào khế riêng, khi đủ chín đổ ốc vào thêm hành và tía tô là được.
Và người ta cũng không thể nào quên được món bún ốc mà ai đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam chắc chắn cũng đều biết đến. Bây giờ ở các thành phố lớn, món ốc đã trở thành đặc sản như: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng hay món ốc hấp thuốc bắc độc đáo ở Phủ Tây Hồ. Nhưng nếu bạn muốn ăn món ốc đích thực, xin mời hãy trở về quê. Những người nông dân thật thà chất phác lại là những người đầu bếp giỏi nhất cho món ốc đồng Nam bộ này. Thêm vào đó là cảnh tình làng nghĩa xóm thấm đượm trong từng hương vị quê nhà.

                                                                                                                          Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Chuối nếp nướng Cần Thơ

Lâu lâu dắt xe đi dạo loanh quanh thành phố, bất giác nhìn sang vệ đường lại bắt gặp những vỉ than đỏ rực đầy ăm ắp chuối nướng, khoai mì nướng, bắp nướng, chuối nếp nướng. Món nào cũng là món ăn chơi, nhưng ngon nhất và đặc sắc nhất lại là chuối nếp nướng.
Vì đi đâu thì người bán cũng nướng khoai, nướng chuối, nướng bắp theo 1 kiểu, còn chuối nếp nướng lại khác. Sài Gòn thì trái chuối nếp thon dài, Mỹ Tho thì trái to ú nu ăn 1 trái là căng bụng, còn ở Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không ú nu, dẹp dep. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn.
Chuối nếp nướng Cần Thơ  
                           Chuối nếp nướng Cần Thơ
Trời mưa trái, cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi vừa mua ở gánh hàng rong, vừa xuýt xoa thổi vừa cắn ngập hàm răng vào, vừa la ngon quá, là cũng đủ làm nên những phút giây hạnh phúc. Không sơn hào hải vị, chỉ là thú ăn chơi, nhưng ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm thảo mùi ruộng đồng dân dã.
Ở Cần Thơ, đa số chuối nếp nướng đều tròn vừa vặn, lớp nếp bên ngoài vừa đủ bao bọc thân trái chuối. Nếu ăn không, chẳng có mùi vị gì nhiều, nên luôn phải kèm theo mấy muỗng nước cốt dừa để tạo vị béo. Ăn như vậy phải có muỗng đĩa, hoặc phải bỏ hộp mang theo nếu muốn đem đi xa, như vậy thì thật bất tiện. Chưa kể, ngon dở còn phụ thuộc vào việc thắng nước cốt đặc hay lỏng hay thấp thỏm sợ đau bụng do để lâu đến cuối ngày.
Chuối nếp nướng Cần Thơ 
                         Chuối nếp nướng Cần Thơ
Duy chỉ có chỗ bán chuối nếp nướng ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngay góc trường Trung cấp du lịch là khác hẳn những chỗ còn lại. Ở chỗ này, người ta đã vắt nước cốt dừa trộn lẫn trong nếp, nên ăn không cần chan thêm nước cốt dừa, bởi, những tinh tuý mùi vị đã trộn lẫn vào nhau. Khi lớp lá chuối bên ngoài trở nên giòn rụm, thì cũng là lúc lớp vỏ nếp ngả vàng nâu sẫm bốc mùi thơm nức trộn lẫn giữa vị ngọt thanh của chuối, béo của dừa, và cả hương khét khét thơm thơm dìu dịu của lá chuối. Cầm trái chuối nóng cắn vào thấy tươm ra chất đùng đục của dừa với nếp, béo ngậy...
Lâu lâu có dịp đi chơi xa, lại dạo loanh quanh các nẻo đường để kiếm chuối nếp nướng ăn thử, nhưng không đâu ngon bằng chuối nếp nướng Xô Viết Nghệ Tĩnh, lại nhớ mãi màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn. Là thú ăn chơi lót dạ, là thứ quà quê dân dã thảo thơm, nên giá cả của nó rất là rẻ, chỉ 1.500 vnd một trái. Chuối nếp nướng thơm lừng, kích thích vị giác, khứu giác của người ta bởi cái mùi béo ngậy, cho nên ăn 1 trái đã ngán ngang bụng. Đến Cần Thơ, khách phương xa nhớ dừng chân bên gốc điệp ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh với Trương Định mua 1 trái ăn chơi cho biết.
                                                                                                                                     Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bánh thốt nốt

Với các chuyên gia ẩm thực, bánh thốt nốt của người Khmer bán ở chùa Hang - Kiên Lương là sản phẩm của sự tinh tế. Bánh là sự kết hợp hài hòa từ những nguyên liệu đặc sản đặc trưng của địa phương.
Bánh thốt nốt 
                                        Bánh thốt nốt
Du khách đến chùa Hang được trẻ em người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản của vùng đất này: bánh thốt nốt được đặt trong những chiếc rổ tre, trông rất xinh xắn. Bánh thốt nốt là loại bánh dân dã của người Khmer Nam bộ, nay trở thành đặc sản. Chỉ có bà con Khmer mới có thể làm ra chiếc bánh ngon và đậm đà hương vị.
Cách làm bánh thốt nốt tương tự như bánh bò của phụ nữ Nam bộ. Vẫn là bột gạo, đường cát, nước dừa nhưng bánh thốt nốt có thêm nguyên liệu từ trái thốt nốt già. Cái thốt nốt già được chà vào rổ cho nhuyễn. Bà con lấy luôn nước để trộn vào bột gạo làm bánh. Bột được chọn làm từ những loại gạo ngon, thường là gạo lúa mùa để bột có độ dẻo thơm. Gạo được rút nước cho sạch cám rồi xay nhuyễn để ủ qua đêm. Sau đó, người ta cho đường cát, một ít muối tạo vị vừa ngọt cho bánh, một ít nước cốt dừa tạo vị béo. Màu bánh tự nhiên bởi trái thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt. Bánh được gói trong lá chuối, tạo hình chữ nhật, bên trên rắc sợi dừa. Bánh hấp trên xửng, khi giở nắp ra tỏa ra mùi thơm nồng nàn, kích thích miệng tiết nước bọt thèm thuồng. Bánh để nguội, ăn càng ngon.
Bánh thốt nốt thường xuyên có mặt tại các kỳ ẩm thực dân gian hoặc các lễ hội ẩm thực lớn trên cả nước. Bánh thốt nốt cũng được nhiều thực khách đón nhận. Ăn thử một cái, khách muốn mở ngay cái thứ hai để ăn tiếp. Đến chùa Hang-hòn Phụ Tử, nhiều du khách mua vài chục cái, có khi cả trăm cái về làm quà... Hiện nay, Kiên Giang đã được sự hỗ trợ của Tập đoàn xi măng Holcim bảo tồn nghề làm bánh này ở địa phương vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa tạo được sản phẩm ẩm thực độc đáo đặc trưng địa phương phục vụ du lịch.... 

                                                                                                                           Nguồn:  huongviquenha.blogspot.com

Ốc Tiêu Nướng Cần Thơ

Bạn bè, khách quen xuống Cần Thơ tôi thường đãi ăn ốc  tiêu nướng . Vài năm gần đây, Cần Thơ có đến mấy chục điểm bán món ốc nướng tiêu với những mùi vị đặc trưng khác nhau.
Ốc tiêu nướng Cần Thơ 
                            Ốc tiêu nướng Cần Thơ
Ở nhà hàng Hoa Sứ, ốc được luộc sơ cho rớt mặt rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào dĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc thì rất tuyệt. Nhưng ốc nướng tiêu ở nhà hàng Sông Quê thì khác, ốc được nướng tươi sống (đã được rọng nước cho sạch) trong lúc nướng cho nước mắm, gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn.
Ốc nướng tiêu ở nhà hàng Hội Quán thì khác, lại có vị chua cay và thường ăn gần như cả phần ruột ốc. Còn ở Nhà khách số 1, Nhà khách 38 thì ốc nướng tiêu lại có mùi quế, ngọt, hơi cay. Ngược lại ở nhà hàng Đất Phương Nam, hay nhà hàng Dạ Lý thì ốc nướng tiêu có nước rất nhiều tiêu, nên khi ăn rất cay và vì cũng đã được luộc trước mới nướng nên khi ăn, lễ ốc lấy luôn được cả phần ruột ốc, nhiều người có thói quen ăn thì ăn luôn cả ruột ốc mới ngon.

                                                                                                                             Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Cháo lòng Tân Hiệp Tiền Giang

Tiền Giang nổi tiếng với các món ngon: hủ tiếu Mỹ Tho, bánh giá Chợ Giồng (Gò Công)... thì cháo lòng mắt má Tân Hiệp cũng là một địa chỉ nổi tiếng được nhiều thực khách biết đến. Các bạn sẽ ngỡ ngàng trước mùi vị quyến rũ và cách ăn khá đặc biệt so với những nơi khác.
Nếu như cháo lòng Bình Định, Phú Yên ăn kèm với giá sống, bún hoặc bánh hỏi thì cháo lòng mắt má Tân Hiệp lại cầu kỳ hơn. Mỗi phần ăn gồm: một tô cháo, một đĩa nhỏ lòng có đủ cả ruột, gan, phèo, dồi, kèm đĩa rau sống to tướng có cải bẹ xanh, giá, rau chuối bào, một đĩa bún, rồi mấy cái bánh tráng. Và đặc biệt, còn cộng thêm một mắt má heo rất hấp dẫn.
Ở Tân Hiệp có nhiều quán cháo lòng nhưng quán Sáu Mừng (nằm trên quốc lộ 1A) là nơi thu hút thực khách đông nhất. Bác Sáu Mừng, chủ quán cháo, cho biết muốn có một nồi cháo lòng mắt má thật ngon trước hết là chọn cho được má heo, lòng, gan, lỗ tai heo còn tươi ngon. Bộ lòng, gan, lỗ tai phải làm thật kỹ, thật sạch và luộc chín. Một phần ruột heo được chiên giòn.
Cháo lòng mắt má Tân Hiệp Tiền Giang  
               Cháo lòng mắt má Tân Hiệp Tiền Giang
Riêng má heo được nấu chung với gạo cho thật chín, rồi vớt ra ngoài để riêng. Đây chính là "linh hồn" của tô cháo lòng Sáu Mừng. Khâu quan trọng thứ hai, phải chọn gạo còn vỏ cám. Gạo nấu trực tiếp với nước, không rang như những nơi khác. Gạo nấu nhừ, không quá lỏng, cũng không quá đặc. Vì vậy, vị ngon của cháo không chỉ nhờ nước luộc lòng, má heo mà còn nhờ cả nước tiết heo được thêm thật khéo, vừa độ dùng.
Trong khi chờ tô cháo bớt nóng, các bạn cứ thưởng thức từ từ, gắp từng miếng lòng chiên giòn rụm hay vài lát dồi cuốn chung với rau sống, cải bẹ xanh non và bánh hỏi chấm nước mắm, cho vào miệng nghe dai dai, giòn giòn, rồi tới miếng dồi beo béo, không thể chê vào đâu được.
Sau đó, các bạn thưởng thức tô cháo của mình. Các bạn cứ thong thả nếm từng muỗng cháo đậm đà. Rồi lại tiếp tục "nhâm nhi" với mắt má heo. Các bạn sử dụng muỗng và nĩa lấy từng miếng thịt ra rồi nhai từ từ. Miếng nào cũng thật ngọt, thật ngon. Lúc ấy, đảm bảo vị giác của các bạn sẽ được kích thích tối đa.
Nhờ nằm trên trục lộ giao thông chính nên cháo lòng Tân Hiệp Tiền Giang  không chỉ thu hút khách nội tỉnh mà còn trở thành "đặc sản" hấp dẫn khách ngoại tỉnh. Và nếu các bạn có dịp trên đường về Mỹ Tho, hãy dừng chân tại thị trấn Tân Hiệp và chỉ cần bỏ ra 15.000 đồng là sẽ có ngay một tô cháo lòng mắt má heo ngon tuyệt. 

                                                                                                                                   Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Cá kèo nướng ống sậy

Cá kèo còn gọi là cá bống kèo, được nhiều người ưa thích. Cá kèo có thể chế biến nhiều món ăn như: cá kèo kho tiêu, cá kèo chiên giòn, cá kèo kho rau răm, cá kèo nướng muối ớt, cá kèo nướng ống tre, cá kèo nướng bơ tỏi, cháo cá kèo… Trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là cá kèo nướng ống sậy.
Cá kèo nướng ống sậy là món ăn do nhà hàng Hoa Sứ (Cần Thơ) sáng tạo, và từ lâu đã trở thành một trong những lựa chọn hấp dẫn của nhà hàng này. Đó cũng là món quyến rũ thực khách ghé trở lại nhà hàng.
Cá kèo nướng ống sậy  
                                Cá kèo nướng ống sậy
Sậy để nướng cá kèo là loại sậy non, mập và nhiều nước. Người ta cắt chúng thành từng đoạn, có đầu rỗng để đưa vào. Cá kèo còn sống chỉ cần rửa sạch, ướp gia vị với rượu mùi. Khi nhét vào ống sậy, đuôi chúng sẽ ló ra ngoài, nhìn rất vui mắt. Cho lửa than hồng liu riu nướng trực tiếp. Kiểu nướng này làm cho cá kèo mềm hơn, ngọt hơn, vì vị ngọt và mùi thơm từ ống sậy tươm ra, ngấm vào thân cá. Khi ống sậy vừa vàng, xẹp xuống nhanh là cá cũng vừa chín nhờ sức nóng của nước ống sậy tiết ra.
Ăn kèm cùng cá kèo nướng ống sậy là các loại rau thơm, chuối chát. Đặc biệt, món này không kén thức chấm, chỉ cần muốt ớt chanh là đủ. Xé ống sậy ra, hơi nóng từ con cá bốc lên, cho miếng cá vào miệng, vị ngọt của cá hòa cùng vị ngọt của sậy, lẫn vị cay, mặn, chua của muối chanh ớt cho ta hương vị rất lạ.

                                                                                                                       Nguồn: huongviquenha.blogspot.com

Bánh xèo Mười Xiềm

Kể từ hôm xuất ngoại trở về, cái quán bánh xèo ven ngoại ô của bà Mười Xiềm ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ lúc nào cũng chật kín khách. Nếu như trước đây khách hàng quen thuộc của bà Mười chỉ là tầng lớp nông dân có mức thu nhập thấp, thì nay có cả giới thượng lưu và khách du lịch trong và ngoài nước. Thấy quán bà Mười làm ăn coi bộ khấm khá, bà con lối xóm tỏ ra mừng giùm cho đôi vợ chồng già này. Thậm chí nhiều cô bác còn đến phụ xay bột, nạo dừa, lựa rau... giúp bà Mười mỗi khi quán đông khách...
Bà Mười Xiềm đổ bánh tại nhà 
                                   Bà Mười Xiềm đổ bánh tại nhà
Sinh ra và lớn lên ở miệt Cái Vồn, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, thuở nhỏ, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn lại đông anh em, nên Mười Xiềm phải bỏ học sớm để theo mẹ làm đủ thứ nghề mưu sinh. Trong đó, có cái nghề làm bánh ít, bánh tét, bánh xèo, nhờ đó tay nghề nấu nướng của cô gái miệt vườn cứ giỏi dần theo năm tháng. Đến khi trở thành một thiếu nữ hiền hậu, nết na và giỏi giang chuyện bếp núc, rất nhiều chàng trai trong làng để mắt đến cô. Tuy nhiên, duyên số lại kết đôi Mười Xiềm với anh tài xế, một chàng trai nghèo ở miệt Trà Nóc, có hoàn cảnh tương tự. Cưới nhau rồi cuộc sống của vợ chồng Mười Xiềm lại khó khăn gấp bội khi đàn con nheo nhóc lần lượt chào đời. Hằng ngày, bà phải thức dậy từ rất sớm để lo cơm nước cho chồng con, rồi đội thúng bánh đi rao bán khắp các ngõ hẻm ở Cần Thơ đến tối mịt mới trở về. Có thời gian, bà Mười đổi hướng theo xe đò với chồng lên tận miệt Biên Hòa (Đồng Nai) để bán bánh. Những ngày mưa gió không đi bán được, Mười Xiềm ở nhà đổ bánh xèo bán cho bà con lối xóm.
Bánh xèo Mười Xiềm 
                            Bánh xèo Mười Xiềm
Rồi bỗng nhiên cuộc sống của đôi vợ chồng Mười Xiềm bước sang một trang mới, khi người đàn bà có gương mặt khắc khổ này nhận được tin mình là một trong 39 nghệ nhân trên khắp mọi miền đất nước được Bộ VHTT chọn đi "biểu diễn" tài nghệ ở Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007, diễn ra tại Mỹ từ 23-6 đến 9-7-2007. Nhận được tin này, vợ chồng bà Mười cứ ngỡ đó là chuyện người ta...đùa cho vui, bởi lẽ, bà Mười thừa biết chuyện làm bánh xèo thì thiếu chi người làm được. Đến khi chuẩn bị lên đường, rồi được biểu diễn tài nghệ làm bánh xèo trên đất bạn bà mới tin đó là thực chứ không mơ. Ngay cả chuyện gặp được mấy ông tây, bà đầm ở Mỹ cũng khiến cho bà Mười chẳng tin vào mắt mình. Bà Mười khoe: "Khi tui đang "biểu diễn" làm bánh xèo ở Mỹ, mấy ông bà tây cứ vây quanh đứng nhìn không chớp mắt, khiến tim tui muốn thót ra ngoài. Đến khi họ thưởng thức vài cái bánh đầu tiên, rồi gật đầu nói "kê kê gì đó" (OK), thì tui mới hết run"...
Tiếp chuyện với tôi bên bếp lửa đỏ rực, nghi ngút khói với đôi tay thoăn thoắt đổ từng cái bánh xèo, bà Mười cho biết: Đông khách thì vui nhưng mệt quá, làm không kịp. Và khi chúng tôi hỏi về "bí quyết" làm bánh, bà Mười cười bảo có bí quyết gì đâu, chủ yếu là bánh phải được làm bằng loại gạo dẻo, thơm. Bột gạo phải xay bằng cối đá và vừa xay xong thì đổ bánh liền, tuyệt đối không để bột xay quá lâu sẽ bị hôi gió, còn nhân thì phải là những con tép, con tôm còn... nhẩy lẩng cẩng. Khi đổ bánh xèo phải dùng mỡ động vật, không dùng dầu ăn, vì theo bà Mười Xiềm, nó có mùi rất khó chịu, đổ bánh xèo phải dùng chảo gang sẽ giúp cho độ nóng của chảo không bị áp lửa. Và điều quan trọng nữa giúp cho người ăn cảm thấy ngon miệng là nước mắm phải làm vừa chua chua vừa ngọt ngọt; rau thì phải chọn loại rau mọc hoang dại ở miệt đồng, như rau húng lủi, rau diếp cá, đọt chùm ruột, lá lụa, cải trời... nhưng chủ đạo vẫn là các loại rau có vị chua chua, chát chát nhẹ nhàng như lá xoài non, lá lụa non, lá sộp, lá cây cơm nguội...
Bánh xèo, món ăn dân dã của thời khai hoang mở đất - đã đủ sức hấp dẫn những thực khách sành ăn thời hiện đại, nhưng không phải ai làm bánh xèo cũng được nhiều người thưởng thức như bà Mười Xiềm. Sau chuyến đi Mỹ biểu diễn làm bánh xèo, thương hiệu "Bánh xèo Mười Xiềm" đã trở nên quá nổi tiếng

                                                                                                                                 Nguồn: huongviquenha.blogspot.com